Cách phòng trừ sinh vậy gây hại cho trái cây Việt Nam khi xuất khẩu, tránh tình trạng bị trả về

Cục Bảo vệ Thực vật đề nghị siết chặt kiểm tra, kiểm soát các lô hàng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc, không để lọt các lô hàng bị nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại.

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết ngày 12/8 vừa qua, tờ Bưu điện Bangkok (Bangkok Post) đã đăng tải thông tin về việc Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm vô thời hạn đối với mặt hàng nhãn Thái Lan xuất khẩu vào nước này vì phát hiện các lô nhãn xuất khẩu của Thái Lan vào Trung Quốc có rệp sáp. Cục Xúc tiến thương mại Quốc tế Thái Lan cũng cho biết đã chỉ đạo tùy viên thương mại ở Trung Quốc tìm cách hoãn lệnh cấm, vì lệnh này được ban hành và áp dụng quá gấp rút.

Dừng xuất khẩu nếu có nguy cơ cao

Trước động thái này của phía Trung Quốc, ngày 16/8, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, đã đề nghị các địa phương cũng như hệ thống ngành BVTV và kiểm dịch thực vật của Việt Nam siết chặt các biện pháp để đảm bảo các lô hàng trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhất là nhãn, thanh long không bị nhiễm các đối tượng dịch hại, đặc biệt là rệp sáp nhằm duy trì hoạt động xuất khẩu trái cây của nước ta một cách thông suốt sang thị trường Trung Quốc.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Rệp sáp là sinh vật gây hại rất phổ biến tại nước ta, không chỉ đối với các loại cây ăn quả chủ lực như nhãn, thanh long, cây có múi… mà còn trên các loại cây trồng khác.

Vì vậy, nếu không có sự kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ ngay tại các vùng trồng, cũng như áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt trong hoạt động kiểm dịch thực vật thì rất dễ bị nhiễm đối tượng dịch hại này trên các lô hàng trái cây xuất khẩu, nhất là các loại trái cây quan trọng, hiện đang vào mùa thu hoạch rộ và xuất khẩu lớn sang thị trường Trung Quốc như nhãn, thanh long…

Các lô trái cây xuất khẩu đều phải được kiểm soát chặt chẽ để đề phòng các đối tượng dịch hại

Theo đó, Cục BVTV đề nghị các địa phương chỉ đạo hệ thống ngành BVTV tăng cường công tác quản lý vùng trồng, giám sát vùng trồng, nhất là các vùng trồng cây ăn quả đã được cấp mã số để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Đối với các vùng trồng đã được cấp mã số có nguy cơ cao về nhiễm dịch hại, đặc biệt là rệp sáp, cần rà soát, kiểm tra chặt chẽ các đối tượng dịch hại thuộc diện kiểm dịch của phía Trung Quốc (nhất là với rệp sáp và ruồi đục quả). Vùng trồng nào có rủi ro cao nhiễm dịch hại thì chủ động tạm dừng việc xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc.

Kiểm tra chặt các lô hàng xuất khẩu

Cụ BVTV cũng cho biết, thời gian qua, cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu vẫn phát hiện có các loài rệp gây hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc trên các loại quả tươi như chôm chôm, chuối, xoài, thanh long, mít, nhãn của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Về giải pháp dài hạn, thường xuyên, Cục BVTV đề nghị các địa phương và hệ thống ngành BVTV phải thường xuyên kiểm tra, giám sát vườn trồng để phát hiện rệp, đẩy mạnh áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để quản lý rệp và các loại sinh vật gây hại trên vườn cây ăn quả xuất khẩu.

Chỉ sử dụng thuốc BVTV để trừ rệp khi thật cần thiết và khi sử dụng phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”.

Về biện pháp kiểm dịch, cần kiểm tra kỹ trái cây xuất khẩu tại khâu sơ chế, đóng gói. Loại bỏ các quả, chùm quả có rệp gây hại, không đưa vào lô quả xuất khẩu. Trường hợp với các loại quả như mít, thanh long, chuối có thể áp dụng biện pháp loại bỏ rệp trên quả sau thu hoạch bằng cách rửa qua nước, kết hợp dùng vòi xịt hơi áp suất cao để thổi sạch các loại rệp còn bám dính trên quả. Kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ các lô quả tươi xuất khẩu để đảm bảo đáp ứng quy định của nước nhập khẩu…

Lưu ý phòng, trừ rệp sáp

Rệp sáp là loài côn trùng thuộc họ rệp sáp (Coccidae), rệp sáp vảy (Diaspididae), và rệp sáp phấn (Pseudococcidae) gây hại trên nhiều loài cây trồng lâu năm như cây ăn quả, cây công nghiệp. Các loài rệp sáp khi trưởng thành thường cố định một chỗ, chích hút nhựa cây, quả và đẻ con ngay phía dưới bụng nên khả năng sinh sản nhanh, trong một năm có thể có từ 6 - 7 thế hệ.

Để phòng chống rệp sáp, người dân cần thực hiện đồng bộ những biện pháp quản lý tổng hợp (IPM) như sau:

Biện pháp canh tác: Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm sự xuất hiện của rệp sáp, loại bỏ bằng cách ngắt cành, quả có rệp sáp đem tiêu hủy.

Cắt tỉa những cành sâu bệnh, cành già, cành tược nằm trong tán lá để vườn cây thông thoáng. Kiểm tra, vệ sinh công cụ làm vườn nhằm hạn chế sự phát tán rệp từ vườn này sang vườn khác, cây này sang cây khác.

Để phòng chống rệp sáp, người dân cần thực hiện đồng bộ những biện pháp quản lý tổng hợp (IPM)

Thường xuyên dọn sạch cỏ rác, lá cây mục ở xung quanh gốc để phá bỏ nơi trú ngụ của rệp sáp. Dùng máy bơm xịt mạnh tia nước vào chỗ có nhiều rệp đeo bám có tác dụng rửa trôi bớt rệp, đồng thời tạo ẩm độ trên cây làm giảm mật số rệp.

Biện pháp sinh học: Bảo vệ các loài thiên địch của rệp sáp như ong kí sinh, các loài bắt mồi ăn thịt bọ rùa, kiến vàng, bọ đuôi kìm…

Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để trừ rệp sáp theo nguyên tắc bốn đúng. Chỉ phun thuốc nơi có xuất hiện rệp sáp.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật