Ông Võ Quốc Thanh, Giám đốc hợp tác xã TM-DV-DL nông nghiệp Khánh Hòa (xã Khánh Hòa huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết: “Nhãn xuồng cơm vàng loại 1 đang được bán ra với giá dao động khoảng 25.000 đồng/kg, còn cân xô thì giá bình quân 14.000 đồng/kg… Mức giá này tuy không cao bằng những năm trước, nhưng đảm bảo cho nông dân có lãi chút ít trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, khiến việc tiêu thụ khó khăn”.
Theo ông Thanh, toàn bộ hợp tác xã có 90ha nhãn xuồng cơm vàng, với sản lượng khoảng 500 tấn mỗi năm. Đây là loại trái cây đã được UBND tỉnh An Giang công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Vào đầu vụ 2021, một số xã viên tiêu thụ nhãn xuồng với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi năng suất đạt bình quân từ 700 - 800 kg/công, chi phí giá thành sản xuất dao động khoảng 12.000 đồng/kg nên đảm bảo cho bà con lãi khá. Tuy nhiên khi diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, các địa phương áp dụng giãn cách xã hội để chống dịch thì việc tiêu thụ nhãn gặp khó khăn, giá giảm mạnh.
Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cùng các ngành của tỉnh và huyện Châu Phú đã vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ nhãn bằng nhiều hình thức; trong đó có gửi công văn nhờ các địa phương khác giúp sức. Cụ thể, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên các kênh truyền thông trong và ngoài tỉnh; phối hợp cùng các đoàn thể hỗ trợ tuyên truyền, tiêu thụ đến với người dân trong tỉnh; mở 2 - 3 điểm bán nhãn xuồng tại trung tâm Tp. Long Xuyên, Châu Đốc, Châu Phú; phối hợp với Viettel đưa sản phẩm lên kênh TMĐT Voso. Đồng thời, sẽ tiếp tục kết nối với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến các tỉnh, thành phố phối hợp tìm kiếm đối tác, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tiêu thụ. Với sự vào cuộc quyết liệt, cùng sự linh động, đa dạng hình thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tiêu thụ qua nhiều kênh khác nhau, nhờ đó, nhãn xuồng cơm vàng của hợp tác xã được các khách hàng từ TPHCM, miền Đông Nam bộ, các tỉnh ĐBSCL đặt mua khá nhiều.
Sau khi nhận đơn hàng, hợp tác xã tổ chức thu hoạch đúng chủng loại, chất lượng và vận chuyển giao hàng bằng xe “luồng xanh”, gửi bưu điện... Đến nay, số lượng nhãn tiêu thụ rất nhiều, đã gần hết nên các xã viên không còn lo lắng như trước nữa.