Ruốc (hay còn gọi là moi, tép biển) là tên gọi của một loại động vật giáp xác mười chân. Hình dạng như con tôm nhỏ, là một đặc sản của miền biển, có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Những ngày gần đây, các tàu cá của ngư dân ở xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) trúng đậm ruốc biển, thu về tiền triệu đến chục triệu mỗi ngày.
Cụ thể, chỉ 3 ngày qua tàu thuyền đánh bắt ruốc ra khơi liên tiếp, thuyền nhỏ thu về từ 5-7 tạ ruốc, có thuyền lớn thu từ 1,5- 2 tấn ruốc.
Ngư dân Thạch Kim cho hay, ruốc năm nay đến sớm hơn mọi năm. Những ngày cuối tháng 9 ruốc đã bắt đầu nhiều.
Ruốc biển thường xuất hiện dày đặc tại khu vực ven biển, cách bờ biển gần 1km. Ngư dân không cần đi xa bờ, chi phí bỏ ra ít nhưng lại thu được lợi ích kinh tế cao.
Chia sẻ trên báo chí, chị Nguyễn Thị Phương (xã Thạch Kim) cho biết, 3 ngày nay mỗi ngày bình quân mua được 6 tấn ruốc từ 5 tàu thuyền đánh bắt về bờ. Mùa ruốc bắt đầu từ tháng 10 (ÂL) đến hết tháng 3, nhưng năm nay ruốc đến sớm hơn, ngư dân trúng đậm từ đầu mùa. Tính ra trừ đi chi phí có tàu thu về từ 10-15 triệu đồng.
Nếu thời tiết được thuận lợi, ngư dân có thể đánh bắt cả ngày lẫn đêm không nghỉ. Trừ đi chi phí nhiên liệu, mỗi ngày ngư dân tại đây thu về vài triệu đến hơn chục triệu đồng.
Ruốc được thương lái tới mua ngay tại bờ biển với giá khoảng 10 ngàn đồng/1kg.
Ngoài ra, nhiều ngư dân lựa chọn chở vào các xã ở phía trong để bán được giá hơn, khoảng 15 ngàn đồng/1kg, giá cao hay thấp còn tùy vào độ tươi và chất lượng con ruốc.
Ruốc khi đưa lên bờ có thể làm mắm ruốc hoặc phơi khô để chế biến các món như nấu canh, hoặc xào ăn kèm với cải non, xà lách.