Ngày đầu tiên ở Kabul dưới thời Taliban, vì sao không một phụ nữ nào dám ra đường?

Cuộc sống ở thủ đô Kabul trong ngày đầu tiên dưới thời Taliban đã có nhiều biến động. Dễ thấy nhất là không còn bóng dáng phụ nữ trên đường phố. Hơn lúc nào hết, điều mà họ chờ mong nhất lúc này, là hòa bình.

Ngày đầu tiên Kabul dưới thời Taliban

Lực lượng Taliban đang dần lập các chốt kiểm soát trong thủ đô Kabul. Hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, không có giao tranh trên đường phố, tuy nhiên giao thông tại một số địa điểm đã bị tê liệt vì hàng nghìn phương tiện ùn ứ khi dòng người đổ về sân bay quốc tế Kabul, cố gắng lên máy bay để ra nước ngoài lánh nạn. Hiện các hoạt động hàng ngày tại Kabul đều bị ảnh hưởng. Các tay súng Taliban đã củng cố các vị trí của mình trong thành phố, tịch thu vũ khí từ các lực lượng an ninh và ăn mừng chiến thắng bằng cách diễu hành bên ngoài Đại sứ quán Mỹ hiện đã bị bỏ lại.

Người dân Afghanistan hỗn loạn chạy ra sân bay mong thoát khỏi đất nước

Với những người còn lại trong thành phố, những người không có hy vọng gì với việc chạy trốn ra nước ngoài, họ đang cân nhắc xem liệu có nên trốn đi hay chấp nhận cuộc sống mới dưới những quy định hà khắc của Taliban.

Bà Farzana KoChai, 1 nghĩ sĩ Afghanistan cho biết: “Với tư cách là một nghị sĩ, là một phụ nữ, là một nhà hoạt động vì xã hội, nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ, tôi lo rằng quyền tự do của những người phụ nữ như tôi sẽ không còn nữa. Tôi không thể làm việc, không thể nói chuyện hay đi chơi với bạn bè nữa.”

Hầu hết những doanh nghiệp ở Afghanistan đã đóng cửa, mặc dù Taliban hối thúc người dân quay lại công việc và cuộc sống bình thường. Trước những biến động, người dân của quốc gia nam á này chỉ mong muốn sẽ sớm có giải pháp

Người dân Afghanistan chia sẻ: "Tất cả các cửa hàng đã đóng cửa. Nơi đổi tiền, ngân hàng cũng đã bị đóng".

Anh Habib Ullah, một người dân Afghanistan cho biết: "Chúng tôi chỉ là dân thường, thế nên chúng tôi mong sẽ sớm có một chính phủ mới được thành lập và nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, các tổ chức chính trị trong và ngoài nước về tính hợp pháp. Chúng tôi mong các vấn đề liên quan giữa Taliban và người dân sẽ sớm được giải quyết trong tương lai"

Tiếng súng đã vang lên nhiều nơi khi người dân Afghanistan tháo chạy. 

Hãng tin Pazhwok của Afghanistan cho biết hầu hết các quan chức cấp cao chính quyền cũ và nhiều chính trị gia Afghanistan đã rời khỏi nước này sau khi Taliban tiến tới ngoại ô thành phố này. Một bộ phận của giới tinh hoa vẫn lưu lại Afghanistan để tìm cách ngăn chặn một cuộc khủng hoảng chính trị mới, lấp đầy khoảng trống quyền lực và chuyển giao một cách hòa bình.

Vì sao phụ nữ ở Afghanistan không dám ra đường lúc này? 

Sự thất thủ của thủ đô Kabul thất thủ báo hiệu sự trở lại lãnh đạo Afghanistan của Taliban, lực lượng từng khét tiếng với việc áp dụng luật Hồi giáo Sharia hà khắc trong giai đoạn cầm quyền 1996-2001. Theo lịch sử, đạo luật Sharia là hệ thống pháp luật của đạo Hồi. Nó có nguồn gốc từ cả kinh Koran và Fatwa (những quan điểm của các học giả Hồi giáo). Sharia theo nghĩa đen có nghĩa là "con đường mòn rõ ràng dẫn đến sự trong sạch".

Phụ nữ Afghanistan trong các bộ Burqa.

Đạo luật Sharia chia các tội danh thành hai loại chung. Thứ nhất là tội "hadd", đây là tội nghiêm trọng với các hình phạt đã định sẵn. Và thứ hai là tội "tazir", trong đó hình phạt được đưa ra theo quyết định của thẩm phán.

Taliban là tổ chức rất tôn sùng đạo luật Sharia vì thế trong giai đoạn nắm quyền năm 1996-2001, Taliban áp dụng rất nghiêm Đạo luật Sharia. Theo đó, họ cấm người dân ăn thịt lợn và uống rượu. Âm nhạc, truyền hình, phim ảnh và Internet, cũng như hầu hết các hình thức nghệ thuật như tranh vẽ hoặc nhiếp ảnh đều bị cấm.

Luật Sharia có những tiêu chuẩn hà khắc đối với các giới. Đơn cử như đàn ông bị cấm cạo râu và bắt buộc phải để râu mọc và dài, mặc turban khi ra ngoài. Việc cầu nguyện là bắt buộc và những người không tôn trọng nghĩa vụ tôn giáo có thể bị bắt.

Phụ nữ bị luật Sharia ràng buộc nhiều thứ như bị cấm đi làm, con gái bị cấm đến trường. Phụ nữ được yêu cầu phải đi xem các buổi purdah và mỗi khi ra đường phải có người thân là nam giới đi kèm. Những người vi phạm những hạn chế này sẽ bị trừng phạt.

Phụ nữ Afghanistan không dám đi ra đường. 

Ngay lúc này tại Afghanistan, rất nhiều phụ nữ đã phải nhờ chồng hoặc anh trai đi mua và mặc lại trang phục truyền thống thay vì những bộ đồ phương Tây như quần jean và áo phông. Họ phải mặc một loại trang phục có tên là Burqa, trang phục che phủ toàn bộ cơ thể người phụ nữ và chỉ trừ phần nhỏ ở mắt được che bằng lớp lưới mỏng. Burqa là từng là trang phục Taliban bắt phụ nữ mặc trong giai đoạn cai trị từ năm 1996 - 2001. 

Thậm chí, những tấm hình quảng cáo ở thủ đô Kabul mà người mẫu trong ảnh là phụ nữ cũng đã bị xé hoặc sơn phủ kín do chủ cửa hàng lo sợ bị Taliban trả thù.

Trong ngày 17/8, Taliban đã tuyên bố ân xá trên khắp Afghanistan đồng thời kêu gọi nữ giới tham gia vào chính phủ do lực lượng này thành lập. Động thái được xem là bước đi đầu tiên để xây dựng chính quyền mới. Dù vậy, nhiều người ngần ngại tin tưởng những cam kết từ lực lượng này.

Cho đến nay, vẫn chưa có thông tin về các biện pháp cực đoan trên có được thực hiện tại các khu vực do Taliban kiểm soát trong thời gian tới hay không? Tuy nhiên, truyền thông địa phương cho biết một nhóm phụ nữ ở tỉnh Takhar hôm 13/8 đã bị Taliban chặn xe vì "đi dép lộ chân", trong khi một giáo viên ở tỉnh nói rằng phụ nữ không được đi chợ nếu không có nam giới đi kèm.

(Nguồn video: Kênh VTC14) 

Đánh giá:  
5.0 / 5  (1 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật