Dâu tây du nhập về đất Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La từ nhiều năm nay, được trồng chủ yếu trên các triền đồi rộng mênh mông.
Tại các bản ở huyện Mai Sơn, dâu tây trở nên phổ biến thay thế cả cây ngô, cây mía, cây sắn…gần như trở thành cây chủ lực giúp nông dân kiếm thu nhập ổn định cuộc sống.
Được sự ưu đã của thiên nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng đất nơi đây, dâu tây Sơn La phát triển tốt, quả chín có vị ngọt thanh, căng mọng, mẫu mã bắt mắt, được thị trường ưa chuộng.
Dâu tây Sơn La được tiêu thụ rộng khắp tại nhiều tỉnh thành trong nước, có mặt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội.
Theo tìm hiểu, vụ dâu tây được trồng vào khoảng tháng 10 dương lịch đến tháng 12 kéo dài đến tháng 4 sẽ thu hoạch. Trong đó, tháng 1 - 3 là thời gian cây cho quả ngon và chất lượng nhất.
Chia sẻ từ nông dân chuyên trồng dâu tây cho biết, giá trị cây dâu tây cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Mỗi năm gia đình có thể thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/ha, nếu thu được sản lượng cao.
Thậm chí, một số nhà vườn tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn còn biến tấu quả dâu tây thành các sản phẩm phổ biến như siro dâu tây, rượu dâu tây, dâu tây sấy dẻo. Nhờ đó việc tiêu thụ sản lượng tốt hơn, đa dạng được hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân các tỉnh, thành.
Giá bán dâu tây tại vườn hiện đang dao động từ 100.000 – 200.000 đồng/kg mỗi loại. Có những loại quả to có giá thành dao động cao hơn.
Dâu tây ở Cò Nòi còn thực hiện quy trình áp dụng VietGAP, áp dụng giống của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản giúp nâng cao thương hiệu, chất lượng, giá trị sản phẩm.
Đáng chú ý, bên cạnh việc thu hoạch quả để bán, mỗi vườn dâu tây chín đỏ nổi bật trên nền lá xanh mướt tại Sơn La còn thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm, chụp hình sống ảo trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.