Sơn La: Không có đầu ra, bà con để quả sơn tra chín rụng quanh gốc

Huyện Mường La (tỉnh Sơn La), việc trồng cây sơn tra (táo mèo) nhiều năm qua đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, có điều kiện để xây nhà, mua xe,... Tuy nhiên, 2 năm nay do dịch bệnh Covid-19, không có đầu ra khiến bà con đành phải để sơn tra chín rụng quanh gốc.

Những ngày này, khi đến bản vùng cao Nậm Nghiệp (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La), bạn sẽ thấy những quả sơn tra chín đỏ trên khắp các sườn đồi. Trong khi vào thời điểm này của những năm trước thì bà con đã thu hoạch hết. 

Là địa phương có độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây đều rất phù hợp để trồng và phát triển cây sơn tra. 

Trên thực tế, loại quả này cũng đã giúp nhiều gia đình có tiền để trang trải chi phí hàng ngày, cho con đi học, mua sắm xe máy, xây nhà cửa,..... 

Với hiệu quả tích cực cùng sự hỗ trợ của các cơ quan chính quyền, từ diện tích 20 hecta hiện nay bản Nậm Nghiệp đã phát triển thêm 300 hecta diện tích trồng cây sơn tra. Những năm trước, người dân yên tâm bán và có thu nhập ổn định khi sơn tra luôn được các tiểu thương ở Yên Bái, Lào Cai và Trung Quốc đến tận nơi mua với giá trung bình từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, 2 năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá quả sơn tra liên tục rớt giá, chỉ còn 3.000 đồng/kg nhưng vẫn không có thương lái đến mua. Dịch bệnh phức tạp cũng khiến bà con không thể vận chuyển đi bán. Chính vì vậy, hàng loạt quả sơn tra chín rụng rơi quanh gốc cây.

Không có thương lái đến mua, bà con cũng không vận chuyển đi được nên đành để sơn tra chín rụng quanh gốc
Không có thương lái đến mua, bà con cũng không vận chuyển đi được nên đành để sơn tra chín rụng quanh gốc

Huyện Mường La, tỉnh Sơn La có hơn 2.200 héc ta trồng cây sơn tra, chủ yếu tại các xã vùng cao, trong đó hơn 1.600 héc ta đang cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 6.800 tấn. 

Hiện việc tiêu thụ loại quả này trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là đối với những xã vùng cao do độ ẩm lớn lại không thể sấy khô và bảo quản tại chỗ. 

Trên toàn huyện bây giờ cũng chỉ có 2 cơ sở có kho lạnh bảo quản sau thu hoạch, việc tiêu thụ quả sơn tra vẫn phụ thuộc vào các thương lái với giá cả bấp bênh.

Trước những khó khăn này của bà con, huyện Mường La đã tích cực phối hợp với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ các hợp tác xã, các cơ sở kinh doanh nông sản kinh phí xây dựng nhà kho, xưởng phục vụ thu mua và sơ chế nông sản; tìm giải pháp chế biến quả sơn tra thành nước ép, ô mai để giúp người dân có thêm thu nhập…

Với những xã vùng cao, huyện cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp để hướng dẫn bà con ngâm ủ quả sơn tra tại đó, sau đó bằng các sản phẩm rượu và sản phẩm từ quả sơn tra ngâm thì các doanh nghiệp sẽ vận chuyển, chế biến vào giai đoạn năm 2022 và những năm tiếp theo.

Dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng thực tế việc tiêu thụ loại quả đặc sản của Sơn La này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn khi rất ít thương lái đến thu mua và khâu vận chuyển, lưu thông cũng chưa được thuận tiện.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật