Vụ thu đông 2021, các địa phương đã xuống giống được hơn 6.000ha, đạt tỷ lệ hơn 87%.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của gió bão khiến mưa nhiều, nên thời gian gần đây đã xuất hiện một số dịch hại trên cây lúa, nông dân gặp khó khăn trong việc phun thuốc “Bảo vệ thực vật” (BVTV) do mưa liên tục kéo dài.
Điển hình đã xuất hiện một số bệnh như sâu cuốn lá, bệnh cháy bìa lá, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt… Sâu, bệnh xuất hiện rải rác ở hầu hết các địa phương, với mức nhiễm nhẹ đến trung bình.
Người nông dân đang phải đau đầu xử lý các loại bên trên còn phải đối mặt với các đối tượng gây hại khác như chuột cắn phá, sâu đục thân, muỗi hành… cũng xuất hiện và gây hại rải rác đến nhiễm nhẹ.
Để hạn chế những tác động trong bối cảnh tình hình giá vật tư tăng cao, các chuyên gia khuyến cáo nông dân nên đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng như thực hiện chương trình “1 phải 5 giảm” và “3 giảm 3 tăng” hay mô hình sinh thái, trồng ruộng bờ hoa dẫn dụ thiên địch và tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" trong sản xuất nhằm tiết giảm chi phí.
Trong đó, mô hình “1 phải 5 giảm” có thể hiểu “1 phải” là phải sử dụng giống lúa xác nhận và “5 giảm” là giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng nước, giảm lượng thuốc BVTV, giảm lượng phân đạm, giảm thất thoát sau thu hoạch.
Nguyên tắc 4 đúng là thực hiện phun: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Khi 4 “cái đúng” trên cùng kết hợp, cộng hưởng với nhau sẽ tạo nên hiệu quả diệt trừ sâu bệnh hại tốt, giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản.
An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL gieo sạ lúa thu đông 2021 khá muộn so với một số tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên nhờ áp dụng các biện pháp khoa học tốt, mà lúa thu đông của tỉnh từ 15 - 45 ngày tuổi, phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh và rầy nâu phá hại ở mật độ thấp so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia cho rằng việc ưu tiên dùng phân thuốc sinh học, hữu cơ, tăng cường các biện pháp giúp cây lúa khỏe như bổ sung vi lượng, phân bón có chứa canxi, silic…sẽ giúp cây lúa tăng tính chống chịu tự nhiên, nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận cuối vụ cho người dân.
Sản xuất lúa rải vụ giúp tăng chất lượng lúa
Mô hình sản xuất lúa rải vụ gồm 3 vụ sản xuất/năm. Mỗi vụ sẽ có 100 ngày xuống giống và thu hoạch, 23 ngày làm đất và cho đất nghỉ giữa các vụ.
Nếu áp dụng sản xuất lúa rải vụ sẽ giúp thời gian sản xuất và thời gian cắt lúa được rút ngắn. Giá bán lúa trung bình ước tăng từ 300 - 500 đồng/kg so với thu hoạch đồng bộ.
Hiện nay, các nhà xuất khẩu đều mong muốn nông dân có kế hoạch sản xuất từ 3 - 6 tháng. Do đó, việc triển khai kế hoạch sản xuất rải vụ sẽ giúp người mua có được đơn hàng trước khi xuống giống, đó là sự an toàn nhất cho cả nông dân, người mua lẫn nhà xuất khẩu.
Song song đó, ngành nông nghiệp tỉnh phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ, chủ động có biện pháp, phương án ứng phó hiệu quả, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân an toàn trong mùa mưa, lũ.