Nuôi cá quý hiếm trên sông Hậu, tỷ phú “Robinson” được bình chọn “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021” 

Cái tên Bảy Bon (Lý Văn Bon) ở Cồn Sơn-TP Cần Thơ đã quá quen thuộc với nhiều người dân nơi đây, anh nuôi cá quý hiếm trong lồng bè kết hợp du lịch cộng đồng. Mới đây anh được bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021”. 

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

Nhắc đến lão nông Bảy Bon (tên gọi thân mật) ở Cồn Sơn không ai là không biết. Bởi, ông được biết đến là người nuôi cá lồng bè kết hợp làm du lịch đầu tiên ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Từ một người nông dân nuôi cá, bí đầu ra, thua lỗ mà nay ông trở thành tỷ phú trên dòng sông Hậu, nhiều người vẫn hay gọi ông là tỷ phú “Robinson”. 

Ban đầu, ông Bảy Bon nuôi cá diêu hồng, nhưng thua lỗ vì giá sụt giảm mạnh, ông chuyển sang nuôi cá thát lát cườm… 

Từ nuôi cá thát lát cườm để bán, ông Bày Bon đầu tư nhà xưởng để chế biến chả cá rút xương, cá thát lát muối sả... Bên cạnh nuôi cá thát lát, ông Bảy Bon còn sưu tầm nuôi một số loại cá lạ như: cá Koi, cá bảo ngọc, các hồng vĩ, cá trà sóc... để kết hợp làm du lịch cho khách tham quan.

Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cơ sở của ông Bảy Bon cũng gặp phải không ít khó khăn. Tuy vậy, ông Bảy Bon bảo rằng ông vẫn may mắn hơn nhiều người ở Cồn Sơn. 

“Trước đây, khi chưa có dịch bệnh thì mỗi năm cơ sở chúng tôi xuất bán 600- 800 tấn cá thát lát đi trong và ngoài nước kết hợp với dịch vụ du lịch, thu về khoảng từ 5 - 7 tỷ đồng. Điểm du lịch kết hợp nuôi cá và du lịch cộng đồng tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương và các tỉnh lân cận”, ông Bảy Bon nói. 

Dịch bệnh khiến bè nuôi cá kết hợp du lịch, xưởng chế biến cá thát lát của ông Bảy Bon tạm dừng hoạt động như các điểm, cơ sở kinh doanh dịch vụ khác để phòng dịch. 

Theo lời chia sẻ của ông Bảy Bon, mỗi ngày cơ sở ông đều phải duy trì thức ăn nuôi cá và phải trả tiền lương để giữ chân 15 công nhân. Mặc dù vậy, ông cố cầm cự mong dịch chóng qua để trở lại trạng thái bình thường mới. 

Lồng cá của ông Bảy Bon.
Lồng cá của ông Bảy Bon.

Kết hợp làm du lịch cộng đồng

Với những lợi thế nuôi các loài cá quý hiếm, năm 2016, ông Bảy Bon biến các lồng bè cá của mình thành một địa điểm du lịch. 

Thay vì làm du lịch một mình, ông Bảy Bon phối hợp với 30 hộ dân trên Cồn Sơn thành một tổ du lịch cộng đồng, mỗi hộ một sản phẩm. Khách đến tham quan sẽ đến lồng bè của nhà ông Bảy Bon trước, sau đó sẽ đến các hộ dân khác tham quan vườn cây ăn trái, chơi trò chơi…

Tin lành đồn xa, thời điểm chưa dịch bệnh, ông Bảy Bon cho biết trung bình mỗi ngày, khách đến tham quan Cồn Sơn từ 300- 500 người, riêng những ngày lễ lên đến 1.000 khách.

Được biết, ông Bảy Bon đang sở hữu hơn 30 lồng bè lớn nhỏ với 12 loại cá khác nhau, nhiều nhất là cá thác lác đạt tiêu chuẩn VietGAP, với sản lượng xuất bán mỗi năm từ 700 tấn trở lên. 

Nông dân Việt Nam tiêu biểu.
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021.

Ngoài ra, ông Bảy Bon cũng đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cá thác lác: Ướp muối sả, rút xương, chả cá. Sản phẩm được đóng gói, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu HACCP, cung cấp khắp các tỉnh, thành trong và ngoài nước. 

Trò chuyện trên báo chí, ông Bảy Bon bảo mong muốn lớn nhất của ông lúc này là hết dịch Covid-19 để có thể đón tiếp khách du lịch, sản xuất cá và thực hiện thêm những dự định trong tương lai. 

Ông Lý Văn Bon đã nhận được nhiều bằng khen từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội nghề cá Việt Nam, UBND thành phố Cần Thơ,... Và vào tháng 10/2021, ông Lý Văn Bon ở Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) sẽ góp mặt trong danh sách cùng hàng chục nông dân trên cả nước đón nhận danh hiệu Nông dân xuất sắc Việt Nam.

Theo chuyên mục Nhà Nông Food.

Đánh giá:  
4.0 / 5  (1 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật