Củ ấu hay còn gọi là ấu trụi, ấu nước,… là loài cây thủy sinh, thường mọc ở vùng nước phát triển tốt ở ao, đầm và những chân ruộng trũng. Củ ấu thường không cần tốn công chăm bón, ấu sẽ tự hút chất dinh dưỡng từ bùn đất để sinh sôi, phát triển. Cây ấu sẽ ít củ dần và tàn lụi sau 6-7 đợt thu hoạch.
Ở Việt Nam có nhiều giống ấu, nhưng đa phần củ ấu đều có nhiều tinh bột, luộc chín ăn có vị bùi. Bên cạnh việc ăn củ ấu trực tiếp, thì nhiều người còn dùng ấu nấu lẩu, chè, hầm xương, làm thuốc...
Những năm gần đây, củ ấu có giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa ngô nên được bà con trồng nhiều hơn. Củ ấu ở Hưng Yên được coi là đặc sản do phù hợp thổ nhưỡng, có hương vị thơm ngon, bở hơn vùng khác.
Giá bán ấu mọi năm có thời điểm đạt đến 15.000 - 20.000 đồng/kg hái lên bờ là có thương lái đến thu mua ngay. Riêng năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên giá ấu giảm nhẹ, người dân phải tìm thêm đầu ra cho ấu. Theo ghi nhận hiện giá ấu vào khoảng 13.000 - 17.000 đồng/kg.
Để thu hoạch củ ấu, người dân phải chèo thuyền thật mỏng, dùng găng tay để hái vì ấu có rất nhiều gai có thể bị đâm vào tay. Người dân thường phải di chuyển theo hàng, để tránh bị bỏ sót ấu.
Người dân trồng ấu trên địa bàn chia sẻ rằng: Trồng ấu không khó, tuy vậy, việc thu hoạch ấu lại rất vất vả. Đến mùa thu hoạch ấu phải tranh thủ hái cho kịp, nếu không củ ấu già sẽ rụng và chìm xuống bùn. Khi đó, người dân lại phải đeo ủng cao su đến ngang người để mò ấu rất cực.
Sau khi hái lên bờ, củ ấu sẽ được rửa sạch và phân loại rồi đem bán ở các chợ quanh vùng. Hoặc các tiểu thương tìm đến tận nơi để mua ấu đưa lên các tỉnh, thành phố lớn để tiêu thụ.
Để tăng thêm thu nhập, một số gia đình còn kết hợp với việc trồng ấu và thả cá. Việc này mang lại giá trị kép, giúp ổn định kinh tế cho nhiều hộ dân.
Vào mùa ấu, ngoài các hộ trực tiếp trồng ấu, những người không trồng ấu cũng có thêm thu nhập từ việc hái thuê hoặc mua bán ấu trên địa bàn tỉnh.