Lạm dụng quá mức phân bón và thuốc trừ sâu ở ĐBSCL, Bộ NN&PTNT cảnh báo

Lượng phân bón vô cơ tại các tỉnh ĐBSCL đang được sử dụng cao hơn 35,3% so với trung bình toàn quốc, trong khi lượng phân hữu cơ sử dụng chỉ bằng 27,3%. Có tỉnh, lượng sử dụng phân bón vô cơ gấp gần 4 lần trung bình toàn quốc.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị trực tuyến về thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại các tỉnh ĐBSCL diễn ra ngày 27/8. 

Thông tin trên báo Tiền Phong, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến tháng 12/2020, cả nước có khoảng 841 cơ sở sản xuất (CSSX) phân bón với tổng công suất 29,25 triệu tấn/năm. Trong đó, phân bón vô cơ có 576 sơ sở với công suất 25,21 triệu tấn/năm, phân bón hữu cơ có 265 cơ sở với công suất 4,04 triệu tấn/năm.

Các tỉnh ĐBSCL có 343 CSSX phân bón với tổng công suất 5,8 triệu tấn/năm (chiếm 40,8% về số lượng và 19,9% về công suất so với cả nước). Trong đó, sản xuất phân bón vô cơ có 241 cơ sở với công suất 5,06 triệu tấn/năm (chiếm 87,2%), còn lại là phân bón hữu cơ (749,6 nghìn tấn/năm).

ĐBSCL là vùng có số lượng CSSX phân bón lớn nhất cả nước và công suất lớn thứ 2 (sau Đông Nam Bộ). Trong đó, Long An là tỉnh có số lượng CSSX phân bón nhiều nhất cả nước với 202 cơ sở, công suất cũng lớn nhất với hơn 3 triệu tấn.

Năm 2020, Việt Nam sử dụng 10,23 triệu tấn phân bón, trong đó phân bón hóa học 7,6 triệu tấn, phân bón hữu cơ 2,63 triệu tấn. Lượng phân bón sử dụng trung bình 753kg/ha gieo trồng, cao hơn so với mức trung bình trên thế giới. Các tỉnh ĐBSCL có lượng phân bón sử dụng trung bình 1.071kg/ha, cao hơn 42% so với trung bình cả nước.

Về thuốc BVTV, các tỉnh ĐBSCL có số lượng CSSX thuốc BVTV nhiều nhất cả nước với 52/85 cơ sở (chiếm 61,18%). Long An là tỉnh có số lượng nhiều nhất cả nước với 42 cơ sở.

Tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật tại ĐBSCL đáng báo động.
Tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật tại ĐBSCL đáng báo động.

Hiện nay, cả nước có khoảng 32.032 cơ sở buôn bán thuốc BVTV đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV. Phân bố nhiều nhất vẫn là các tỉnh ĐBSCL với 10.542 cơ sở (chiếm 32,91% cả nước). Trong đó, Long An 1.642 cơ sở, nhiều nhất cả nước.

Ngoài ra, lượng phân bón vô cơ các tỉnh ĐBSCL sử dụng cao hơn 35% so với trung bình toàn quốc. Điển hình như tỉnh Bến Tre sử dụng phân bón vô cơ gấp gần 4 lần lượng trung bình toàn quốc.

Bên cạnh đó, lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình là gần 6,3 kg/ha gieo trồng, cao hơn 40% so với trung bình cả nước.

Lượng thuốc BVTV hóa học sử dụng cao hơn 72% so với trung bình toàn quốc trong đó lượng thuốc các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp cao gấp 4 lần lượng trung bình toàn quốc.

Tờ Vietanambiz dẫn lời ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết toàn tỉnh có 177.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, 80.000 ha cây ăn trái, bà con nông dân sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả quanh năm nên nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc BVTV cao với 1,2 triệu tấn phân bón, 400 tấn thuốc BVTV.

“Khó khăn hiện nay là một số nông dân sử dụng phân bón và thuốc BVTV chưa theo khuyến cáo, lựa chọn sản phẩm chưa phù hợp khiến chi phí sản xuất tăng, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19", ông Mẫn nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết thêm, nguyên nhân khách quan khiến các tỉnh ĐBSCL sử dụng lượng lớn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là tư duy sản xuất chạy theo sản lượng, lạm dụng phân bón, thuốc BVTV để tăng năng suất.

Người nông dân chưa tính bài toán giữa sản lượng và chi phí, sản lượng tăng chưa chắc lợi nhuận cao.

Cũng theo Bộ trưởng, kinh tế trọng điểm phải tính toán được cả đầu vào và đầu ra. Tuy nhiên, 70% nguyên liệu đầu vào của nền nông nghiệp đang bị lệ thuộc nước ngoài và có thể tăng đột biến do cung cầu của thị trường thế giới.

Bộ NNPTNT cảnh báo việc lạm dụng quá mức phân bón và thuốc trừ sâu ở ĐBSCL. Nếu không được giải quyết, điều này sẽ dẫn tới hệ lụy rất lớn, không chỉ đối với môi trường, sức khỏe con người mà còn dẫn tới tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại, làm suy giảm đa dạng sinh học của các loài thiên địch. Không chi có vậy, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón còn làm tăng giá thành sản phẩm, qua đó làm giảm thu nhập cùa người nông dân.

Do đó, Bộ NN&PTNT khuyến khích nông dân giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV để giảm chi phí sản xuất.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật