Nông dân 'khóc ròng' với giá phân bón
Vụ hè-thu năm nay, nông dân gặp nhiều khó khăn khi thị trường phân bón tăng ngay từ đầu vụ. Đây là thời điểm nông dân phải tập trung bón phân cho cây trồng, giá phân bón tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân.
Theo các đại lý bán lẻ phân bón, giá phân bón tăng cao liên tiếp, các nhà máy và đại lý cấp 1 còn thông báo khan hiếm hàng, nhiều thời điểm không có hàng giao.
Cụ thể, phân urê Cà Mau tăng 72% (từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg); DAP Đình Vũ tăng 67,3% (từ 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg); NPK Bình Điền tăng 24,3% (NPK 16-16-8+13S từ 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg).
Với phân bón nhập khẩu, SA bột của Trung Quốc tăng 60,6% (từ 3.270 đồng/kg lên 5.250 đồng/kg); DAP 64% nhập khẩu Trung Quốc tăng 50% (từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg); kali tăng 72,9% (kali miểng Israel từ 6.650 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg).
Đại dịch Covid-19 khiến ngành vận tải gặp khó khăn, việc vận chuyển, nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu bị ảnh hưởng dẫn đến khan hiếm nguồn cung; cước phí vận chuyển tăng lên kéo theo giá phân bón cũng thay đổi. Thêm vào đó, các nhà cung cấp nguyên liệu nhập khẩu đều thông báo tăng giá, buộc nhà sản xuất trong nước cũng phải tăng giá bán. Như vậy, giá đến tay người tiêu dùng cuối cùng là người nông dân còn cao hơn rất nhiều lần và hai nhà máy sản xuất phân bón hàng đầu Việt Nam này đang hưởng siêu lợi nhuận từ đợt tăng giá phân bón hiện nay.
Người dân khẩn thiết cần câu trả lời
Hiện Tổ Công tác 970 phía Nam (Bộ NN-PTNT) đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố phía Nam đề nghị thanh tra Sở NN-PTNT phối hợp với Cục quản thị trường, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản,... trên địa bàn.
Đơn vị này cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường các địa phương thường xuyên rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng tạo khan hiếm giả để kiếm lời.
Song, Tổ Công tác 970 lưu ý, khi triển khai thanh kiểm tra cần có sự phối hợp chặt chẽ giữ các cấp, các ngành để tránh sự chồng chéo, gây phiền hà cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các cá nhân và doanh nghiệp.
Còn Cục Bảo vệ thực vật cũng dự báo trong tháng 8 giá phân bón vẫn tiếp tục tăng nóng, thậm chí khó có thể hạ nhiệt trong năm nay.
Tại cuộc họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL ngày 8-8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết hiện vấn đề lưu thông vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) được tháo gỡ nhưng giá phân bón tăng rất cao, có loại tăng 83% so với thời điểm tháng 1-2021.
(Nguồn video: Kênh VTC16)