Mắc ca là cây có khả năng chịu được sương muối, chịu hạn, ít sâu bệnh. Do đó, có thể phát triển cây mắc ca theo nhiều hình thức trồng thuần loài hoặc trồng xen.
Sau 5 năm trồng, mắc ca sẽ cho thu hoạch, năng suất quả tươi khoảng 8 tấn/ha/năm. Mắc ca là cây trồng có vòng đời khai thác trên 100 năm, có thể phát triển thành cây trồng rừng và trồng che bóng cho một số loại cây khác.
Nhìn chung, cây mắc ca phù hợp với nhiều tiểu vùng sinh thái ở Lâm Đồng, cây sinh trưởng tốt và có hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho bà con nông dân vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc, đồng thời cải thiện kinh tế cho người dân địa phương.
Từ năm 2005 - 2006, Lâm Đồng đã đầu từ nhiều mô hình sản xuất, đồng thời định hướng nông dân có điều kiện đất đai tiến hành trồng thực nghiệm cây mắc ca.
Nhờ sự hỗ trợ tích cực các chính sách của tỉnh và đầu tư khoa học công nghệ, trong thời gian ngắn, diện tích mắc ca đã phát triển nhanh.
Đến năm 2020 toàn tỉnh có hơn 4.863 ha mắc ca (chiếm 30% cả nước), diện tích kinh doanh 1.179ha. Trong đó, sản lượng quả khô đạt 2.157,34 tấn, bao gồm 4.722,4ha trồng xen (chủ yếu trong vườn cà phê, chiếm 72,4%) và 140,9ha trồng thuần (trong đó 62,5% trồng trên đất lâm nghiệp, 37,5% trồng trên đất nông nghiệp).
Định hướng phát triển cây mắc ca bền vững lâu dài, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1062/QĐ-UBND, ngày 20/5/2016, về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Như vậy, Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên trong cả nước có quy hoạch phát triển cây mắc ca với tầm nhìn dài hạn.
Đặc biệt, với mong muốn đồng hành cùng nông dân tỉnh Lâm Đồng trong việc mở rộng diện tích cây mắc ca, vừa qua Hiệp hội mắc ca Việt Nam đã tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến quả mắc ca, khảo sát tại các địa phương…nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và diện tích phát triển mắc ca.