Hai năm trở lại đây, giá mía nguyên liệu tăng cao giúp nhiều người dân vùng núi các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên có thu nhập ổn định.
Nhờ mía được mùa, được giá, người trồng có thu nhập tốt nên bà con rất phấn khởi. Việc liên kết với các nhà máy đảm bảo thu mua hết lượng mía, cũng giúp người dân yên tâm canh tác.
Cây mía hiện mang lại thu nhập ổn định cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã miền núi Sơn Hội. Với giá bán 1,1 triệu đồng/tấn mía (giá bán năm 2020), trừ tất cả chi phí sản xuất, người nông dân có thể lãi hơn 70 triệu đồng/vụ.
Từ năm 2017 - 2019, giá mía ở tỉnh Phú Yên xuống thấp, nắng hạn kéo dài nhiều người dân đã bỏ cây mía chuyển sang cây trồng khác nên diện tích mía giảm đáng kể.
Từ năm 2019 đến nay, khi giá mía ổn định, các nhà máy thu mua mía và chính quyền địa phương tăng cường việc chuyển giao công nghệ mới trong trồng cây mía cho người dân nên diện tích mía nguyên liệu đã tăng trở lại.
Vụ mía năm nay, huyện Sơn Hòa sản xuất khoảng 8.500 ha, khi cây mía đến mùa thu hoạch sẽ được Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (công suất 10.000 tấn mía/ngày) đóng ở huyện Sơn Hòa thu mua hết mía cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, huyện xác định cây mía và cây sắn là 2 loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. “Những năm tới vấn đề cạn kiệt lao động sẽ là vấn đề lớn nhất làm cho giá thành mía đôn lên cao. Huyện sẽ hướng người nông dân tích tụ ruộng đất và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất cây mía”.
Việc này giúp nông dân đảm bảo có một khoảnh ruộng đủ lớn đưa vào cơ giới hóa, cày, cỏ, thu hoạch giúp nâng cao năng suất và thu nhập cho bà con.
Năm nay, toàn tỉnh Phú Yên sản xuất hơn 21.000 ha mía nguyên liệu. Do địa hình miền núi và cây mía trồng tập trung ở các vùng gò đồi cao, điều kiện sản xuất còn khó khăn, khó áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, luân canh, xen canh nên khi mía chín đồng loạt gây trở ngại cho việc thu hoạch.