Cafe F tối 4/9 đưa tin, giá đường tăng lên mức cao nhất 4 năm sau khi sương giá ở Brazil làm ảnh hưởng đến vùng trồng mía tại quốc gia này. Các quỹ đầu cơ cũng tiếp thêm động lực cho màn tăng giá này.
Giá đường thô kỳ hạn đã tăng 10% trong tháng qua, giao dịch ở mức 20 cent/pound tại New York. Đây là lần đầu tiên giá đường tăng lên mức cao như vậy kể từ năm 2017 và đã tăng 60% trong năm qua.
Cùng với đó, sương giá nghiêm trọng đã tấn công các khu vực như Parana, Sao Paulo và Minas Gerais vào tháng 6 và 7. Cái lạnh bất thường làm cây mía bị hư hại, còi cọc và giảm lượng đường.
Vì thế, buộc nông dân trồng mía phải thay đổi thời gian thu hoạch, giảm bớt 1 vụ thu hoạch, vốn đã suy kiệt do hạn hán kéo dài.
Hiệp hội Đường quốc tế (ISO) cho biết sản lượng đường toàn cầu sẽ thiếu hụt khoảng 4 triệu tấn, năm thứ 2 liên tiếp bị thâm hụt. Dự báo lượng đường dự trữ sẽ giảm từ 98,3 triệu tấn trong tháng 9 năm nay xuống còn 95,3 triệu tấn vào tháng 9 năm sau.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch cho biết sẽ khó xảy ra tình trạng thiếu đường. Thay vào đó, việc giá đường tăng cao có thể thúc đẩy tiêu thụ đường Ấn Độ trên toàn cầu. Ấn Độ là quốc gia sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới, sau Brazil.
Tờ kinh tế sài gòn thông tin, Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới, có thể sẽ dừng trợ cấp xuất khẩu đường trong niên vụ mới bắt đầu từ tháng 10 tới. Hãng tin Reuters hôm 17/8 dẫn lời Sudhanshu Pandey, một quan chức cấp cao ở Bộ Phân phối công cộng, Thực phẩm và các vấn đề người tiêu dùng Ấn Độ, cho hay chính phủ Ấn Độ sẽ không xem xét trợ cấp xuất khẩu đường cho năm tới.
Trong 3 năm qua, Ấn Độ liên tục trợ cấp cho các nhà xuất khẩu đường bất chấp sự phản đối của nhiều nước sản xuất đường khác. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của Brazil, Úc và Guatemala, năm 2019, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thành lập ban hội thẩm để đưa ra phán quyết về việc Ấn Độ trợ cấp xuất khẩu đường. Ấn Độ khẳng định chính sách trợ cấp này không vi phạm các quy tắc của WTO.
Nhờ giá đường tăng, các doanh nghiệp Ấn Độ lần đầu tiên ký các hợp đồng xuất khẩu đường trước thời điểm giao 5 tháng. Các khách hàng đang tìm cách chốt trước các hợp đồng cung cấp đường từ Ấn Độ khi họ dự báo sản lượng đường của Brazil suy giảm mạnh.
Các nhà máy đường ở Ấn Độ đã ký các hợp đồng xuất khẩu 725.000 tấn đường thô và 75.000 tấn đường trắng trong giai đoạn từ tháng 11-2021 đến tháng 1-2022.
Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích, giá đường có thể sẽ tiếp tục tăng cao trong vài tháng. Do đó, nhiều khả năng người dùng sẽ thấy giá cao hơn trên các kệ hàng siêu thị trong thời gian tới.
Hiệp hội đường quốc tế (ISO) dự báo thị trường đường toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 sẽ thiếu hụt 2,7 triệu tấn.