Bộ Công Thương tiếp nhận điều tra đường mía nhập khẩu
Bộ Công Thương cho biết, đã tiếp nhận Hồ sơ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và đại diện cho 6 công ty sản xuất đường mía trong nước.
Theo cáo buộc tại Hồ sơ yêu cầu, đã có dấu hiệu về hiện tượng các sản phẩm đường mía của Thái Lan bị áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) lẩn tránh qua một số các quốc gia ASEAN khác, bao gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.
Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2021 áp dụng biện pháp CBPG và CTC chính thức đối với một số sản phẩm đường mía với mức thuế CBPG là 42,99% và mức thuế CTC là 4,65%.
Kể từ khi Việt Nam áp dụng biện pháp CBPG, CTC với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, đã có dấu hiệu về hành vi lẩn tránh thuế CBPG, CTC thông qua một số nước ASEAN. Kim ngạch nhập khẩu đường từ các nước ASEAN (ngoại trừ Thái Lan) tăng mạnh.
Các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM thường có tính chất phức tạp, liên quan tới nhiều nội dung, quy định pháp luật và cam kết quốc tế. Các nước cũng có quy định khác nhau về vấn đề này. Trong một số trường hợp, mặc dù hàng hoá đáp ứng đầy đủ các quy định về xuất xứ nhưng vẫn có thể bị coi là lẩn tránh.
Thị trường đường thế giới tăng mạnh mẽ
Thị trường đường thế giới tháng 8 tăng cao, đà tăng chưa thể dừng lại, do sương giá bất thường tại Brazil khiến sản lượng đường tại nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới này sụt giảm.
Brazil – nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% xuất khẩu đường toàn cầu đã bị ảnh hưởng do hạn hán khắc nghiệt và sương giá sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Hiện các nhà kinh doanh đường tiếp tục điều chỉnh giảm ước tính sản lượng đường của Brazil.
Trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu giảm, do ảnh hưởng thời tiết và tình hình dịch COVID trên thế giới đã khiến giá đường thế giới tiếp tục vượt đỉnh.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE phiên 30/8 đã đạt 20,22 US cent/lb, tăng tới 120% trong 4 tháng. Sản lượng đường Brazil bị sụt giảm vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua cũng là một động thái có thể đẩy giá đường lên mức 21-22 US cent/lb trong thời gian tới. Còn giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London đạt mức cao nhất trong phiên 18/8 ở 504,5 USD/tấn.
Brazil đã phải hứng chịu một mùa đông khắc nghiệt bất thường trong năm nay với nhiệt độ giảm xuống mức đóng băng trong vài ngày, ảnh hưởng đến các loại cây trồng từ ngô đến cà phê và mía đường. Băng giá xảy ra sau một đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, làm ảnh hưởng nặng nề đến ngành nông nghiệp của quốc gia này.
Những thông tin bất lợi từ quốc gia cung cấp đường lớn nhất thế giới cùng với các diễn biến trên thị trường hàng hóa đã khiến giá đường lên cao nhất trong 4 năm qua, và xu hướng này có thể chưa dừng lại.