Giá đường hôm nay 25/8/2021: Đường nhập khẩu tăng, thị trường nội địa bị ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE duy trì ổn định ở mức 19,88 US cent/lb, sau khi tăng trong đầu phiên giao dịch do ảnh hưởng từ thị trường đường của Brazil.

Giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn London giảm 1,6 USD tương đương 0,3% xuống 477,5 USD/tấn.

Giá đường thô tại New York ngày 17/8 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2017, là 20.37 US cent/lb. Phiên 20/8, giá giảm nhẹ xuống 19,79 US cent, nhưng vẫn là mức cao kỷ lục trong vòng nhiều năm. Tính từ đầu năm đến nay, giá đường đã tăng khoảng 30%.

Sản lượng đường của Brazil trong nửa đầu tháng 8/2021 đạt 2,99 triệu tấn, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, Unica cho biết.

Giá đường tăng mạnh sau khi hạn hán nghiêm trọng và băng giá làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng của Brazil – quốc gia cung cấp khoảng 40% lượng đường toàn cầu. 

Thời tiết tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ đã và đang diễn ra có nghĩa là vụ mía của nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới này sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp.

Đường đã lọt vào top những mặt hàng "nóng" trong thời gian gần đây khi giá liên tục phá kỷ lục nhiều năm do thời tiết khắc nghiệt ở Brazil ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung. Trong khi đó, triển vọng nguồn cung trên toàn cầu vốn không mấy khả quan.

Hiệp hội đường quốc tế (ISO) dự báo thị trường đường toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 sẽ thiếu hụt 2,7 triệu tấn.

Trong khi đó, xuất khẩu đường từ Ấn Độ đã chậm lại đáng kể do giá đường trên thị trường nội địa tăng cao tại quốc gia tiêu thụ đường hàng đầu thế giới này.

Giá đường trong nước tăng nhẹ 

Giá đường trong tháng 7 của Việt Nam tăng nhẹ lên mức hơn 17.800 đồng/kg nhưng so với các nước ASEAN và Trung Quốc, mức giá này vẫn thấp.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), tình hình bùng phát dịch COVID-19 từ tháng 5 khiến sức tiêu thụ giảm mạnh. Không những vậy, việc giãn cách xã hội tại nhiều địa phương khiến cho việc lưu thông vận chuyển hàng hóa nói chung và các sản phẩm đường bị ách tắc càng làm nhu cầu đường giảm thấp. 

Hiện nay, các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu hoàn toàn làm chủ thị trường và nguồn cung đường đang đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường.

Trong tháng 7, tình hình bùng phát dịch COVID- 19 tại các tỉnh phía Nam đã dẫn đến việc giãn cách xã hội, hạn chế hàng hóa lưu thông nên các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu lắng xuống.

Đánh giá:  
5.0 / 5  (1 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật