Những ngày tháng 3, nông dân tại “vựa” dứa Nghệ An đang bước vào chính vụ thu hoạch. Nhưng nụ cười không nở trên môi người dân mà thay vào đó là những tiếng thở dài ngao ngán khi giá dứa rớt thảm, thấp nhất 2 năm qua.
Theo đó, giá dứa xuống thấp trong khi giá phân bón, thuê nhân công hái dứa, tiền vận chuyển tăng lên cao khiến người dân lỗ nặng.
Hiện dứa có trọng lượng 800-900g/quả loại to, đẹp được thu mua tại ruộng giá 3.500 đồng/kg. Đối với dứa “chặt đầu” (quả nhỏ, trọng lượng 400-500g/quả), giá chỉ còn 2.500-3.000 đồng/kg.
Mức giá này đã giảm sâu so với giai đoạn cao điểm dứa được giá 10.000-11.000 đồng/kg, với mức giá này người trồng không có lời.
Nhiều nhà vườn đang vào vụ thu hoạch nhưng thương lái thu mua rất ít, nên người dân chỉ biết đứng ngồi không yên, lo lắng tìm đầu ra.
Một hộ dân trồng dứa chia sẻ: “Thời điểm cuối tháng 2, xảy ra xung đột tại Ukraine đã khiến giá dứa giảm sốc, xuống còn 3.000-3.500 đồng/kg, giá rớt thảm chưa từng có”.
Được biết, dứa nguyên liệu tại Nghệ An cung ứng chủ yếu cho các nhà máy. Sản phẩm qua sơ chế và chế biến của các doanh nghiệp sẽ được xuất khẩu sang Nga và thị trường châu Âu.
Do đó, khi xung đột tại Ukraine xảy ra đã tác động trực tiếp đến ngành dứa Việt Nam. Theo đó, nhà máy không thể xuất hàng nên hoạt động cầm chừng, dừng thu mua khiến dứa tồn động khủng tại các vườn.
Thêm vào đó, từ cuối năm 2021, ảnh hưởng của dịch COVID-19, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nông sản, nên giá dứa tại Nghệ An bị ảnh hưởng do cạnh tranh trong thị trường tiêu thụ nội địa.
Một thương lái thu mua dứa tại xã Tân Thắng cho hay: “So với năm ngoái, giá dứa nguyên liệu xuống thấp hơn, chỉ bằng gần một nửa do thị trường châu Âu không xuất được”.
Theo tìm hiểu, toàn huyện Quỳnh Lưu có trên 1.000 ha dứa được trồng chủ yếu ở các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu,... Dự kiến từ nay đến hết tháng 12/2022, diện tích dứa cho thu hoạch khoảng hơn 600 ha, sản lượng đạt hơn 7.200 tấn.
Cây dứa xác định là cây trồng chủ lực, chiếm tỷ trọng trên 60 % thu nhập ngành nông nghiệp của toàn địa phương.