Trong những năm gần đây, người dân các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long không còn thói quen đốt rơm rạ sau mỗi vụ mùa. Mà thay vào đó là bó rơm thành cuộn gọn gàng để bán cho thương lái nhằm tăng thêm thu nhập. Không chỉ vậy, người dân cùng tận dụng rơm rạ để làm nguyên liệu làm nấm, nuôi trồng thủy sản, tạo độ ẩm cho cây ăn trái, rau màu mới xuống giống…
Chia sẻ trên báo Người lao động, ông Dương Văn Tám (60 tuổi tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: "Sau mỗi vụ lúa tôi kiếm được thêm gần 2 triệu đồng tiền bán rơm cho thương lái”.
Trong khi đó, nhiều người dân ở huyện Cái Nước (Cà Mau) cũng thu mua cuộn rơm về rồi cắm cây cố định trong vuông tôm để giảm độ phèn, cải thiện nguồn nước. Khi rơm phân hủy sẽ trở thành thức ăn cho tôm. Từ đó, chất dinh dưỡng trong đất được cải thiện và việc nuôi tôm cũng mang lại hiệu quả hơn.
Với ông Nguyễn Lợi Đức ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, trước đây gia đình ông phải tốn nhiều chi phí để xử lý lượng rơm khổng lồ (với 80 ha đất lúa). Những năm gần đây, ông lập trang trại nuôi 500 con bò đã giúp cải thiện nguồn kinh tế lớn cho gia đình.
Dù hiện nay rơm đã được nhiều hộ nông dân tận dụng trong sản xuất, kinh doanh,... nhưng thực tế việc tận dụng nguồn phụ phẩm này còn hạn chế. Các ngành chuyên môn chỉ ra rằng nguồn rơm khô có thể tạo ra các chế phẩm sinh học phục vụ lại sản xuất. Nếu sử dụng hợp lý, nông dân có thể hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học trong những vụ tiếp theo. Điều này không chỉ giúp nông dân giảm chi phí sản xuất mà về lâu dài còn góp phần giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường tự nhiên.
Không chỉ vậy, trên thế giới hiện nay cũng có rất nhiều sáng kiến hữu ích từ rơm rạ như: Trộn rơm, trấu và các hóa chất, ép thành các tấm vật liệu nguyên khối, được gọi là "gỗ xanh"; Tro rơm rạ cũng có thể bán cho các nhà máy xi măng dùng làm chất phụ gia để sản xuất loại xi măng không gây hại cho môi trường.
Ở một số nước như Thái Lan, Indonesia, Ai Cập, Ấn Độ, họ triển khai những dự án sản xuất điện, than sinh học từ rơm rạ. Nhà máy sản xuất điện từ rơm rạ ở đảo Bali (Indonesia) có công suất gần 22 MW cung cấp điện cho khoảng 60.000 hộ gia đình. Ở tỉnh Pichit của Thái Lan, nhà máy sản xuất điện từ rơm có công suất tiêu thụ 150.000 tấn rơm/năm.
Trong khi đó, Hàn Quốc đang đặt ra kế hoạch loại bỏ hoàn toàn ống hút, ly nhựa ở các cửa hàng vào năm 2027 để chuyển sang dùng ống hút từ rơm.