Các đại gia mì gói kiếm bộn tiền từ thói quen tiêu dùng của người Việt

Người Việt tiêu thụ mì gói hàng đầu thế giới. Và thị trường tỷ đô này đã và đang chứng kiến sự cạnh tranh đến từ các nhà sản xuất nội địa và nước ngoài.

Theo thống kê từ Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), nhu cầu về mì ăn liền toàn cầu năm 2019 tăng 3,45% so với năm trước đó, nhưng năm 2020 đã tăng đến 14,79%.

Nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền toàn cầu tăng mạnh được lý giải do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã dẫn đến các lệnh giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới của các nước trên thế giới. Người tiêu dùng theo đó có xu hướng dự trữ các thực phẩm khô trong thời gian dài.

Cũng theo WINA, nhu cầu mì ăn liền của Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới với lượng tiêu thụ năm 2020 tăng 29,47% so với năm 2019. Còn khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho thấy, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng 67%.

Thống kê của Retail Data (số liệu tính đến 9 tháng đầu năm 2020) chỉ ra, Acecook Việt Nam đang giữ 35,4% thị phần về doanh thu. Tuy vậy, đây lại là các con số thấp nhất của Acecook tính trong giai đoạn 2017 – 9 tháng đầu năm 2020. Xếp sau Acecook là Masan (27,9%), Uniben (12,2%), Asia Foods (8%).

*Lấy theo số liệu năm 2020.
*Lấy theo số liệu năm 2020.


 Đứng đầu về thị phần, không ngạc nhiên khi CTCP Acecook Việt Nam đứng quán quân cả về mặt doanh thu/lợi nhuận. Trong năm 2019, doanh thu công ty đạt 10.647 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.660 tỷ đồng, tăng lần lượt 27% và 80% so với năm 2016, cho thấy biên lợi nhuận của Acecook cũng tăng rất nhanh những năm qua, và vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Xếp sau Acecook Việt Nam là ngành hàng thực phẩm tiện lợi của Masan Cosumer (chủ yếu là mì ăn liền). Tính theo số liệu năm 2020, doanh thu thuần mảng này đạt 6.882 tỷ đồng, tăng trưởng 38,5% so với năm 2019. MCH cho biết, sản phẩm Omachi tăng 32% so với năm 2019, thống trị phân khúc cao cấp với 45% thị phần, trở thành nhãn hiệu bán chạy nhất tại kênh siêu thị và mì tô bán chạy nhất cả nước.

Vị trí tiếp theo là CTCP Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) với doanh thu (công ty mẹ)  3.070,6 tỷ đồng, lãi thuần 408,7 tỷ đồng; CTCP Uniben doanh thu đạt 2.856 tỷ đồng, lãi thuần 39,2 tỷ đồng.

Dù doanh thu của CTCP Kỹ Nghệ Thực Phẩm Việt Nam (Vifon) chỉ là 2.104,6 tỷ đồng, nhưng lãi thuần Vifon vượt Uniben khi đạt 75 tỷ đồng trong năm 2019.

Quay trở lại với lĩnh vực mì ăn liền, việc dịch bệnh diễn biến phức tạp trong năm 2021 được đánh giá sẽ khiến sức tiêu thụ sản phẩm mì ăn liền tiếp tục ở mức cao.

Trong khi đó, báo cáo nghiên cứu thị trường Facts and Factors nhận định, doanh thu của mặt hàng mì ăn liền toàn cầu sẽ tăng từ 45,67 tỷ USD trong năm 2020 lên 73,55 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm sẽ đạt 6%/năm trong giai đoạn 2021-2026. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển kinh doanh mì ăn liền trên cả thị trường nội địa và thị trường thế giới khá cao.

Theo Nhà đầu tư

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật