Độc đáo giống gà không có phao câu, ăn dai ngon giòn thơm

Gà Cáy Củm hay còn được gọi là gà không phao câu, là giống gà hiếm ở tỉnh Cao Bằng.

Tại xã Đức Xuân cũ, nay là xã Đại Tiến (huyện Hòa An, Cao Bằng) có nuôi giống gà lạ không có phao câu, có tên là Gà Cáy Củm. 

Ông Triệu Văn Ngoan, dân tộc Nùng- hộ nuôi Gà Cáy Củm cho biết, vóc dáng, màu lông của Gà Cáy Củm cũng bình thường giống như những con gà khác. Gà mái có lông màu nâu, vàng hoặc đốm xám. Gà trống có màu sắc nổi bật với màu nâu ánh đỏ, mào cờ đỏ uy dũng như những con gà trống khác.

Chỉ có điều khác lạ là chiếc đuôi của nó không dài và mọc dựng lên mà lại ngắn cũn cỡn và mọc cụp xuống trông rất ngộ nghĩnh. Điểm đặc biệt nhất là phần phao câu của con gà không lồi ra như những loại gà khác mà lại nhẵn nhụi nên mới được gọi là gà không có phao câu.

Theo lời ông Ngoan, từ thời cha ông đã thấy nuôi giống gà này. Từ khi nở ra, cứ nhìn vào đuôi gà mà mọc cụp xuống là gà không phao câu. Gà này chăn thả, sử dụng thức ăn như các loại gà thường khác. Chỉ có điều chúng bay rất khỏe so với loại gà thường nên dù có làm chuồng cũng ít khi chúng chịu vào ở mà chỉ thích ngủ trên cành cây hoặc mái nhà.

Theo kinh nghiệm từ xưa, để gà sinh sản tốt, trước mùa giao phối cần cắt trụi phần đuôi của gà mái. Và khi đó gà ấp trứng mới nở, không bị ung.

Gia đình ông Ngoan nuôi giống gà này từ hơn chục năm nay, có thời điểm cả đàn có hơn 30 con. Hiện ông còn giữ 2 gà trống, 4 gà mái và hơn chục gà con. Trong xóm Lũng Rì ngoài nhà ông, còn có 3 hộ nữa cũng nuôi giống gà này nhưng mỗi hộ chỉ nuôi vài con.

Giống gà không phao câu này có xuất xứ từ xa xưa ở xóm Lũng Thốc, vài năm gần đây mới có thêm xóm Lũng Rì và một số hộ lẻ tẻ ở các xóm lân cận khác nuôi.

Giống gà không có phao câu độc đáo ở Cao Bằng.
Giống gà không có phao câu độc đáo ở Cao Bằng.

Lũng Thốc là xóm có nhiều hộ nuôi giống gà không phao câu nhất ở xã Đại Tiến. Xóm có 15 hộ thì hơn 10 hộ nuôi. Hộ nhiều nuôi hơn 10 con, hộ ít nuôi 2 - 3 con. Dù số lượng ít, tỷ lệ ấp ra không cao vì các hộ chăn nuôi chung với nhiều loại gà khác nhưng giống gà này vẫn được các hộ dân chăn nuôi, chia sẻ giống và duy trì ở địa phương.

Ông Long Văn Lợi, trưởng xóm Lúc Thốc chia sẻ: Giống gà này được cha ông nuôi từ lâu đời nên vẫn được người dân nuôi lẫn với các loại gà khác. Tổng đàn gà không phao câu ở xóm còn khoảng hơn 100 con.

Gần như nhà nào cũng nuôi giống gà kỳ dị này. Mỗi đợt gà đẻ tầm 15 - 17 quả, mỗi năm đẻ 2 - 3 lứa. Do các hộ đều nuôi gà không phao câu lẫn với các giống gà khác nên khi một ổ trứng ấp nở ra tỷ lệ gà không phao câu nở chỉ đạt từ 30 - 50%.

Trao đổi với báo chí, bà Nông Thị Thương, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hòa An cho biết: Gà không phao câu hay còn gọi là gà Cáy Củm, gà cúp, là giống gà bản địa có nguồn gốc ở xã Đức Xuân cũ, nay là xã Đại Tiến, huyện Hòa An.

Tổng đàn gà cả xã Đại Tiến hiện chỉ còn khoảng trên dưới 200 con, tập trung chủ yếu ở xóm Lũng Thốc và một số xóm lân cận. Gà không phao câu có chất lượng thịt thơm ngon, giòn, dai so với các loại gà khác.

Gà Cáy Củm chỉ được nuôi xen kẽ ít ỏi ở các hộ người Mông. Cũng vì thiếu phao câu, gà Cáy Củm ít được người địa phương dùng làm lễ vật hiến sinh, cúng tổ tiên trong dịp  lễ, tết mà chỉ để bày cỗ ăn thông thường. Theo bà con cho biết, để phát triển giống gà này một cách ổn định, lâu dài cần có đầu ra ổn định và giá cao hơn, như vậy mới khuyến khích bà con tham gia. Từ thực tế đó, huyện Hòa An đang tiếp tục vận động người dân nuôi và nhân giống rộng loại gà này vì đây là giống gà lạ hiện đang được người tiêu dùng và khách ưa chuộng. Qua đó, giúp cho người dân nơi đây đổi mới cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Việc bảo tồn, phát huy những tiềm năng của giống vật nuôi bản địa để phát triển thành hàng hóa sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện được điều đó rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn và vấn đề chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân trong chăn nuôi. Từ đó sẽ tạo tiền đề để người dân vùng cao tăng thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật