ĐBSCL: Trồng lúa hữu cơ phù hợp với biến đổi khí hậu 

Khu vực ĐBSCL đang đẩy mạnh sản xuất những giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu và mô hình trồng lúa hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. 

Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) – vựa lúa lớn nhất của Việt Nam thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra. 

Bên cạnh đó, khu vực này còn thường xuyên xảy ra hiện tượng El Nino (nóng lên dị thường của mặt nước biển) làm cho thời tiết thay đổi thất thường đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL và miền Trung. 

Theo đó, để định hướng cho quá trình canh tác mang lại hiệu quả cao, Viện Lúa ĐBSCL đã và đang nghiên cứu, phát triển những giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt ở những vùng bị ảnh hưởng bởi hạn mặn.

Viện Lúa ĐBSCL đã thực hiện các khảo nghiệm, nghiên cứu, để lai tạo và chọn các giống lúa chịu được hạn mặn tương đối tốt, cho năng suất đạt yêu cầu, có đặc tính chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Điều quan trọng là những giống lúa này thích ứng được với khí hậu của địa phương.

Kết quả đã lai tạo thành công nhiều giống lúa như BLR103, BLR105, BLR203, BLR312, BLR413, BLR404…cho năng suất và khả năng thích ứng khác nhau. 

Trồng lúa hữu cơ, nâng cao thu nhập

Ngoài việc phát triển những giống lúa thích ứng tốt, hiện người dân ĐBSCL bắt đầu chuyển đổi với những mô hình trồng lúa hữu cơ.

Cụ thể, quy trình trồng lúa hữu cơ giảm phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học trong quá trình sản xuất. Việc này sẽ đảm bảo sức khỏe cho người nông dân và đảm bảo an toàn cho chất lượng sản phẩm đầu ra cũng như người tiêu dùng.

Những năm gần đây, các Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp thuộc khu vực ĐBSCL đã chuyển giao khoa học kỹ thuật, công tác xây dựng, đào tạo, mô hình trồng lúa hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu tới bà con nông dân. 

Nhờ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, kết quả mang lại rất tốt, chất lượng sản phẩm nông nghiệp được cải thiện. Thu nhập cho người nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh cũng tốt hơn. 

Đại diện HTX Tân Long (xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) cho biết: Đơn vị kiểm soát vật tư đầu vào để đảm bảo tất cả đều là chế phẩm sinh học, chú trọng nâng cao chất lượng. Qua đó giá trị sản phẩm cũng như kinh tế của người dân đã được nâng cao. Nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và được chứng nhận chuẩn VietGAP giúp doanh nghiệp cũng như người dân rất phấn khởi.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật