Xuất khẩu tôm tăng mạnh 50%, tín hiệu vui tháng đầu năm 

Vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã có khởi đầu thuận lợi đạt được con số ấn tượng.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) nhận định xuất khẩu tôm trong tháng đầu năm tăng trưởng khá. 

Các loại tôm xuất khẩu tăng trưởng bao gồm tôm chân trắng chiếm 76%, tôm sú chiếm 14%, còn lại là tôm biển. 

Giá trị xuất khẩu tôm chân trắng đạt gần 238 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu tôm sú đạt gần 43 triệu USD, tăng 92%, riêng tôm sú chế biến tăng mạnh nhất 157%.

Số liệu tăng trưởng nhờ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành các đơn hàng đã ký vào cuối năm 2021. Đây được xem là tín hiệu tốt cho hoạt động xuất khẩu tôm. 

Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp tôm Việt Nam, chiếm 21,5% tổng xuất khẩu tôm của cả nước. 

Mặc dù năm vừa qua, giá xuất khẩu tôm Việt tại thị trường Mỹ phải cạnh tranh với các nước như Indonesia, Ấn Độ nhưng tốc độ tăng trưởng lại cao hơn. 

VASEP cho biết dù hiện tình hình lạm phát tại Mỹ tăng mạnh trong tháng 1, tuy nhiên chuyên gia nhận định kinh tế Mỹ vẫn ổn định nhờ các chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhu cầu tôm của Mỹ dự kiến vẫn tăng mạnh trong năm nay.

Tương tự, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam, đạt trên 54 triệu USD/tháng 1, tăng 23%. 

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng đầu năm nay cũng tăng mạnh, đạt gần 54 triệu USD. Trong đó, Hà Lan, Đức và Bỉ là 3 thị trường chính. 

Trái ngược lại, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc tháng đầu tiên của năm giảm mạnh.

Trước đó, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm đều cả năm 2021, chỉ vừa khởi sắc vào cuối tháng 12 dịp Tết Nguyên đán thì sang tháng 1/2022 lại tiếp tục giảm. 

Xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm là do ảnh hưởng của chính sách “zero Covid”, kiểm soát chặt hàng hóa nhập khẩu từ nông sản đến thủy sản. 

Hiện dù tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng tâm lí người lao động ổn định hơn, với tinh thần sống chung cùng Covid-19 đã tạo nên những tín hiệu lạc quan trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu. 

Tuy nhiên, việc thiếu nguyên liệu đầu năm, giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá thành sản xuất còn cao...vẫn là những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2022.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật