Theo tìm hiểu, năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh Hải Dương là 9.186 ha, đặc biệt, các diện tích vải ở Thanh Hà và Chí Linh đã sản xuất theo hướng VietGAP.
Hải Dương có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp với các sản phẩm nông sản phong phú. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số mặt hàng nông sản.
Vải thiều của Hải Dương không chỉ cung ứng cho thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới, đơn cử như Mỹ, châu Âu...
Không nằm ngoài những ảnh hưởng mà đại dịch Covid-19 mang lại, Hải Dương cũng gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục nền kinh tế. Song, sản xuất nông nghiệp là điểm sáng của địa phương khi tăng trưởng lên đến 6,9%.
Số liệu tăng trưởng tốt nhờ tỉnh đã áp dụng chuyển đổi số nông nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, Hải Dương đã đưa 300 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.
Đặc biệt, quả vải thiều khi lên sàn đã mang lại thành công lớn bất ngờ. Quả vải tiếp cận được người tiêu dùng trong và ngoài nước, được yêu thích vì chất lượng ngọt ngon hấp dẫn.
Năm 2020 quả vải thiều chỉ thu được 600 tỷ đồng thì năm 2021 đã mang lại lợi nhuận đến 1.400 tỷ đồng – một con số cao kỷ lục.
Nhằm nâng cao chất lượng quả vải, tỉnh Hải Dương đặc biệt chú trọng các biện pháp như tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân và giám sát các vùng trồng nhằm nâng cao chất lượng cho quả vải.
Đại diện Bộ NN-PTNT cho biết, vụ vải ở Hải Dương và Bắc Giang có tổng sản lượng trên 340.000 tấn. Các tỉnh đã đồng loạt đưa lên sàn điện tử để khai thác đầu ra cho sản phẩm đồng thời xúc tiến xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng.
Sản phẩm vải thiều Hải Dương đã vượt qua được hàng rào kỹ thuật khắt khe của các nước nhập khẩu trái cây khó tính nhất, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là loại nông sản có cơ hội phát triển mạnh trong tương lai.