Nửa cuối tháng 8 đà tăng của đường thô đã bị kìm hãm còn đường trắng có xu hướng giảm nhẹ.
Dù vậy, diễn biến chung của tháng 8/2021 là các thông tin thời tiết khô hạn và sương giá tại các cánh đồng mía của Bazil dẫn đến dự báo sản lượng đường giảm hẳn khiến cho giá đường được hỗ trợ tăng.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE tăng 0,56 US cent tương đương 3% lên 19,52 US cent/lb. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn London tăng 16,3 USD tương đương 3,3% lên 511,9 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 3/2017. Như vậy, kể từ đầu tuần đến nay giá đường trắng đã tăng 10%.
Nhận định của các nhà phân tích thị trường trước các thông tin liên tục về thời tiết sương giá tại các cánh đồng mía tại Bazil đã gây ra lo ngại về hụt nguồn cung trong tương lai và tác động đến tăng giá đường mặc dù các giao dịch giao ngay vẫn không có gì sôi động.
Theo đó, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) dẫn thông tin từ Tổ chức đường thế giới (ISO) cho biết trong nửa đầu tháng 8 chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng có xu hướng tăng.
Tại thị trường Việt Nam, trong tháng 8 tác động kép của giá đường tăng trên thị trường quốc tế và khủng hoảng vận tải biển quốc tế đã khiến cho đường nhập khẩu vào Việt Nam tăng giá và lượng nhập khẩu giảm. Điều này khiến cho giá đường trong nước bắt đầu tăng từ giữa tháng.
VSSA cho rằng các nguồn cung rất dồi dào và sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 9, tháng 10 và ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.
"Do giá đường đường thế giới đang ở mức cao nhất trong 4 năm gần đây cộng với chi phí vận chuyển quốc tế cũng đang ở mức rất cao, giá đường trong nước sẽ tiếp cận với giá đường trong khu vực và giá đường Thái Lan nhập khẩu có đóng thuế chống chống phá giá, chống trợ cấp", VSSA nhận định.