Giá đường thế giới tiếp nối đà lao dốc

Giá đường tiếp tục lao dốc với các mức giảm khá. Giá đường trắng và giá đường thô giao cùng kỳ hạn đồng loạt giảm. 

Giá đường giảm trong phiên cuối tuần do các quỹ hàng hóa và các nhà đầu tư bán thanh lý mạnh mẽ, trong bối cảnh nhu cầu yếu. 

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,45 cent, tương đương 2,3%, xuống 18,79 cent/lb vào cuối phiên, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8, là 18,73 cent. 

Giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn London có mức cao nhất ở 486,7 USD/tấn trong phiên 06/9. Các mức giá lùi dần về 481,5 USD/tấn; 475,1 USD/tấn và về mức thấp nhất ở 464,5 USD/tấn trong phiên 10/9/2021.

Giá đường thô giao cùng kỳ hạn trên sàn New York có mức cao nhất ở 19,62 US cent/lb trong phiên 06/9 và tụt xuống mức thấp nhất ở 18,79 US cent/lb trong phiên 10/9. Qua đồ thị ta thấy, diễn biến giá tuần qua trên hai sàn giao dịch theo chiều thoải dần. Giá đường đã hạ nhiệt sau khi đã ở mức đỉnh 4,5 tháng.

Các nhà máy đường thuộc Tập đoàn Mía đường Thái Lan (TSMC) sẽ tiếp tục đảm bảo giá thu mua mía ở mức 1.000 baht (30,52 USD)/tấn nhằm khuyến khích nông dân chặt mía tươi để bán. Sản lượng mía được dự báo sẽ giảm đáng kể trong niên vụ 2021/22 do hạn hán và việc nông dân chuyển sang trồng các loại cây khác.

Sản lượng mía của Thái Lan đạt mức 134,9 triệu tấn trong niên vụ 2017/18, sau đó giảm xuống 74,8 triệu tấn trong niên vụ 2019/20 và 66,6 triệu tấn trong niên vụ 2020/21.

Giá đường thế giới tiếp nối đà lao dốc
Giá đường thế giới tiếp nối đà lao dốc

Giá dầu thô giảm cũng làm giảm giá ethanol và có thể thúc đẩy các nhà máy đường của Brazil chuyển hướng ép mía sang sản xuất đường hơn là sản xuất ethanol, do đó thúc đẩy nguồn cung đường.

Hai nhà máy tinh luyện đường lớn tại Louisiana vẫn chưa hoạt động sau khi cơn bão Ida đổ bộ, do các công ty đánh giá thiệt hại và đợi đường điện khôi phục.

Theo Tổ chức Đường quốc tế (ISO), thâm hụt đường toàn cầu trong niên vụ đường 2021/22 được dự báo là 3,8 triệu tấn. ISO cũng cho biết sản lượng đường toàn cầu tăng 0,2% lên 170,6 triệu tấn trong vụ tới trong khi lượng đường tiêu thụ tăng 1,6% lên 174,5 triệu tấn.

Ấn Độ có khả năng dừng trợ cấp xuất khẩu đường trong niên vụ mới

Ấn Độ là quốc gia sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới, sau Brazil. Nước này dự kiến sẽ rút trợ cấp xuất khẩu đường từ mùa vụ mới, bắt đầu từ tháng 10. Giá đường thế giới tăng mạnh giúp các nhà máy đường ở Ấn Độ dễ dàng giao dịch hơn trên thị trường thế giới. Các nhà máy đường Ấn Độ đã xuất khẩu 5,11 triệu tấn đường trong giai đoạn 01/01 – 05/8/2021.

Chính phủ Ấn Độ hiện không xem xét bất cứ khoản trợ cấp nào cho năm tới. Trong bối cảnh hiện tại, nhu cầu đường ở Ấn Độ sẽ tăng cao hơn, do đó giá đường trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng tiếp. Việc trợ cấp xuất khẩu có thể không cần thiết nữa.

Ấn Độ, nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới sau Brazil, liên tục trợ cấp cho các nhà xuất khẩu đường trong 3 năm qua, bất chấp sự phản đối của nhiều nước sản xuất đường khác.

Sau khi nhận được đơn khiếu nại của Brazil, Úc và Guatemala, năm 2019, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thành lập ban hội thẩm để đưa ra phán quyết về việc Ấn Độ trợ cấp xuất khẩu đường. Tuy nhiên, Ấn Độ khẳng định chính sách trợ cấp này không vi phạm các quy tắc của WTO.

Do giá đường tăng, các thương nhân Ấn Độ lần đầu tiên đã ký hợp đồng xuất khẩu trước 5 tháng do sản lượng của Brazil có khả năng giảm khiến người mua phải đảm bảo nguồn cung từ Ấn Độ trước.

Trong năm nay, tính đến ngày 30/9/2021, Ấn Độ sẽ xuất khẩu kỷ lục 7,1 triệu tấn đường, nhờ các khoản trợ cấp để thúc đẩy doanh số bán ra nước ngoài. 

Trong nhiều năm qua, sản lượng đường cao hơn đã tác động đến giá nội địa, ảnh hưởng đến “sức khỏe” tài chính của các nhà máy khiến các chủ doanh nghiệp mía đường không thể thanh toán kịp thời cho nông dân.

Đánh giá:  
5.0 / 5  (1 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật