Bánh mì Việt Nam khi mang dấu ấn đặc trưng của mỗi vùng miền

Bánh mì là món ăn quá phổ biến tại Việt Nam đến mức sự hiện diện của nó trong cuộc sống là điều tất nhiên, là món ăn đường phố nhưng bánh mì có thể được sử dụng trong tất cả các bữa ăn trong ngày. Như một điều tất yếu, bánh mì đã trở thành nét tiêu biểu cho văn hoá ẩm thực bình dân của người Việt được bạn bè thế giới biết đến.

Bánh mì được lựa chọn là món ăn sáng lý tưởng và phổ biến nhất với người Việt khi mỗi người đều có thể chọn lựa cách ăn sáng tạo riêng mình. Nếu không thích một ổ bánh ngập nhân với nhiều loại thịt thơm ngon như trứng, pate, xúc xúc, thịt nướng, giò chả, xíu mại,... bạn hoàn toàn có thể ăn kèm với các loại bơ, sữa đặc, mứt hoa quả,... Thay vì ăn riêng lẻ, bánh mì còn có thể thay thế bánh quẩy, trở thành đồ chấm cho các món nước như bánh canh, bún,... Trong các nhà hàng vẫn thường phục vụ bánh mì cùng với đồ uống như sữa tươi, bởi nhờ có bánh mì, sữa tươi sẽ được hấp thụ tốt hơn.

Bánh mì là món ăn quen thuộc của người Việt

Có lẽ hiếm có món ăn nào như bánh mì khi độ phổ biến trải đều ở mọi tầng lớp, mọi phân khúc giá từ bình dân đến cao cấp. Trên đường phố, chúng ta dễ dàng thấy được hình ảnh các bạn sinh viên đang vừa cắm cúi đọc sách trong quán ăn trên tay cầm ổ bánh gặm dở, anh thợ xây ăn bánh mì nhấm nháp trà đá trước buổi làm, cô gái làm văn phòng đang điệu nghệ xé chiếc bánh mì chấm xíu mại,... Tất cả những hình ảnh ấy tổng hòa nên một nét văn hóa ẩm thực vô cùng đẹp đẽ.

Hầu như mọi người đều biết rằng nguồn gốc của chiếc bánh mì Việt Nam hiện nay có tiền thân là chiếc Baguette mà người Pháp đã mang đến Việt Nam từ thế kỷ 19. Món bánh này nhanh chóng được người Việt đón nhận và thưởng thức theo phong cách ẩm thực riêng tùy theo vùng miền. Hãy thử dạo quanh các vùng miền để thưởng thức những món bánh mì đặc trưng ấy:

Bánh mì chảo Hà Nội

Với điều kiện khí hậu 4 mùa cùng những đặc trưng rất riêng, bánh mì Hà Nội lại được biến tấu đa dạng theo thời tiết. Những ngày giá rét mùa đông, những thứ ấm nóng như nem nướng, khoai nướng, nem chua rán… đều được tận dụng để tạo ra những loại bánh đảm bảo “không đụng hàng”.

Bên cạnh đó không thể không nhắc đến bánh mì áp chảo cùng với đầy đủ pate, bít tết, trứng ốp la… được để sẵn trên chiếc chảo gang luôn luôn nóng rực. Được biến tấu từ món bít tết kiểu Tây đắt đỏ, các hàng quán vỉa hè Hà Nội đã thật sự biến món ăn này thành món ăn bình dân được ưa chuộng.

Dạo gần đây, còn có món bánh mì  "dân tổ" lạ lẫm này đang là chủ đề thu hút giới trẻ khắp cả nước. Bánh mì dân tổ ra đời vốn để phục vụ các thanh niên chơi khuya hoặc những người làm buôn bán phải thức khuya dậy sớm. Không phải ngẫu nhiên mà khi cả thủ đô đang say giấc nồng thì lại xuất hiện một quán bánh mì với chiếc chảo "siêu to khổng lồ" lại hút khách ở khung giờ 3h - 6h sáng đến thế.

Chảo bánh mì "siêu to khổng lồ" bắt mắt là sự cộng hưởng của rất nhiều nguyên liệu như bơ, trứng gà, hành tây, giò, bò khô...

Bánh mì dân tổ - cái tên nghe có vẻ bình dân nhưng thực chất để làm ra món bánh mì đặc biệt này lại rất kì công. Người bán sẽ phải vô cùng khéo léo để cân bằng độ béo thơm của trứng và bơ sao cho không bị ngấy nhưng vẫn phải hòa quyện với tất cả nguyên liệu, tạo ra hỗn hợp sền sệt hấp dẫn. Cái khó của món này đó là giữ được độ ẩm mềm mại của trứng, trứng phải được đánh một cách tinh tế đảm bảo các hương vị được hòa tan vào nhau để khi cắn một miếng bánh mì, vị giác của ta được thức tỉnh bởi hương vị quyến rũ khó cưỡng. Món này ăn kèm với dưa chuột thái mỏng cộng thêm một chút tương ớt là "đúng bài" luôn.

Giá một chiếc bánh mì dân tổ là 25 nghìn đồng. Nếu muốn trải nghiệm cảm giác nhâm nhi những chiếc bánh mì sáng đúng chất Hà Nội nhất thì hãy một lần dậy sớm đế thưởng thức ngay món ăn độc lạ này trong khung giờ "vàng" 3 giờ - 6 giờ sáng bạn nhé.

Bánh mì cay Hải Phòng

Tại Hải Phòng, không thể không kể đến bánh mì cay, loại bánh vừa nhỏ vừa dài với giá thành vô cùng rẻ đã trở thành thương hiệu của riêng nơi này. Bánh mì cay là một trong những đặc sản vô cùng nổi tiếng của Hải Phòng. Không chỉ người dân ở đây, mà cả khách du lịch khi đến thành phố hoa phượng đỏ đều mê mẩn với món ăn bình dị này.

Không cầu kỳ, không sang chảnh và cũng chẳng đắt đỏ, bánh mì cay chinh phục người ta bởi hương vị dân dã, giá cả phải chăng. Và cứ thế, cái tên "bánh mì cay Hải Phòng" đã đi đến rất nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Bánh mì cay Hải Phòng

Mỗi chiếc bánh chỉ to bằng 2 đầu ngón tay sẽ được nhồi đầy pate, sau đó nướng giòn. Bánh này phải ăn nóng mới ngon và giòn.

Khác với kiểu ăn bánh mì thường thấy là rưới tương ớt vào trong ruột bánh, bánh mì que phải chấm với loại tương ớt đặc trưng. Tương ớt ở đây là loại tự làm, loãng hơn đa số các loại tương khác nhưng hương vị cay nồng thì rõ hơn nhiều, hòa với vị bánh mì và pate thì vô cùng phù hợp.

Bánh mì Hội An - món bánh mì phố cổ Hội An đã nổi danh ra cả nước ngoài

Nhắc đến ẩm thực phố cổ nói chung và bánh mì nói riêng, chúng ta không thể nào không nhắc đến những chiếc bánh mì Hội An. Không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam, bánh mì Hội An còn thu hút du khách nước ngoài, thậm chí còn được chào đón khi mở cơ sở ở nước bạn Hàn Quốc.

Điểm đặc biệt của bánh mì ở Hội An là mỗi nhà đều tự làm nhân bánh theo công thức đặc biệt như nước sốt, xá xíu, xíu mại, pate... tạo nên hương vị đặc trưng riêng biệt. Từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến đều rất công phu mới tạo ra được một ổ bánh mì đủ đầy hương vị: béo - cay - thơm - mặn –ngọt vừa phải, tinh tế.

Một ổ bánh mì ở Hội An hiện nay có giá dao động từ 20.000đ đến 40.000đ tùy loại nhân. Thưởng thức một ổ bánh mì "hoành tráng" như thế, nhâm nhi một tách trà ấm ngắm hoài phố thì mức giá ấy quá hợp lí phải không nào?

Bánh mì bột lọc Huế

Bánh bột lọc từ lâu đã là món ăn đặc sản của ẩm thực Huế, thế nhưng có lẽ còn ít người biết đến món bánh mì bột lọc độc đáo khiến bao người vấn vương ở miền cố đô này. 

Bánh mì bột lọc, món ngon khó cưỡng của Huế

Loại bánh mì Việt Nam này thoạt nhìn cũng chỉ là một ổ bánh mì thông thường nhưng thay vì kẹp các loại nhân quen thuộc như xúc xích, pate, thịt,… thì người Huế lại kẹp bánh bột lọc nhân tôm hoặc đậu xanh vào bên trong. Sau đó rưới lên một lớp nước sốt được làm từ nước mắm pha với tỏi ớt, đường tạo nên đủ vị cay cay mặn ngọt rất kích thích. 

Bánh mì xíu mại ở Đà Lạt

Xíu mại là món ăn quá đỗi quen thuộc trong nhân những chiếc bánh mì Việt. Vậy bánh mì xíu mại có gì lạ mà ai ai check in thành phố sương mù này cũng phải trải nghiệm cho bằng được?

Những chiếc bánh mì nóng hổi, giòn rụm được chấm ngập trong chén nước súp xíu mại là hình ảnh quen thuộc về bữa điểm tâm của người dân Đà Lạt.

Nếu như những viên xíu mại kẹp dọc ổ bánh mì là biểu trưng cho những bữa sáng nhanh chóng, tiện lợi thì bánh mì chấm xíu mại lại phảng phất linh hồn của nhịp sống chậm rãi, thư thái của người dân thành phố ngàn hoa... Chấm một miếng bánh mì thấm đẫm nước súp đậm đà, hít hà chút cay cay của tương ớt trong thời tiết se lạnh thì còn gì bằng! Điều đặc biệt là nước dùng luôn được giữ nóng trên bếp bằng than củi nên thực khách sẽ luôn được thưởng thức hương vị thơm ngon, nóng sốt nhất của món ăn này.

Một chén bánh mì xíu mại chỉ có giá "khiêm tốn" khoảng 15 nghìn đồng. Chỉ cần một chén  xíu mại nóng hổi đi kèm thêm ly sữa nành nóng thì mọi bộn bề, lo toan của cuộc sống sẽ "đi đu đưa" ngay.

Bánh mì xíu mại, trứng muối Sài Gòn

Xíu mại trứng muối là một trong những loại nhân hút khách. Phần thịt phải nửa nạc, nửa mỡ để xíu mại mềm. Sau khi xay nhuyễn, tẩm ướp gia vị, thịt được nặn thành từng miếng nhỏ, bọc nhân trứng muối rồi hấp cách thủy. Nhân trứng muối được chọn loại mới ủ, chưa nướng qua để không bị khô

Xíu mại sau khi được hấp chín sẽ được cho vào nồi đun sốt. Nước sốt được nấu từ nước hấp thịt, hành, tỏi, ớt xay cùng hạt nêm, đường, muối. Ngoài ra, màu của nước sốt được lấy từ nước ép rau củ. Vì vậy, nước sốt ngọt thanh, màu cam đỏ tự nhiên chứ không bị đỏ quạch. Xíu mại dù tẩm ướp trước nhưng khi hấp chín vẫn chưa được đậm đà, vì vậy nước sốt sẽ giúp thịt mềm và ngon hơn. Tuy nhiên, chủ quán chỉ thêm ít một vào nồi sốt để đun, như vậy giúp món ăn luôn nóng mà không nhão, nát. 

Nước sốt sóng sánh sẽ được thêm vào bánh mì trước khi nướng lại. Cách này giúp lớp vỏ bánh giòn nhưng bên trong vẫn ẩm và đậm đà.

Ngoài ra ở Sài Gòn còn món bánh mì khác độc lạ không kém là bánh mì cá nục. Một chiếc bánh mì cá nục giá 20k nguyên con cá bự chảng được dằm ra, ăn luôn xương vì được hầm mềm. Hay món bánh mì chảo - sự kết hợp giữa Á đông và Tây phương của người Sài Gòn

Không biết từ bao giờ, món bánh mì chảo đã trở thành nét đặc trưng của ẩm thực đường phố Sài Gòn, làm lưu luyến vị giác biết bao thực khách khi rời xa thành phố tất bật này.

Món bánh mì chảo gợi liên tưởng đến món ăn quen thuộc của Tây phương đó là bò bít tết.

Hương vị mê hoặc của món bánh mì Sài thành này đến từ "bản hòa ca" của tất cả các nguyên liệu bao gồm trứng ốp, pate, chả cá, xíu mại, phomai... Món bánh mì chảo ngon nhất khi trứng được làm hồng đào để khi chấm một miếng bánh mì, vị giác phải "vỡ òa" bởi cái béo thơm của trứng quyện với nước sốt nồng nàn hương vị, cộng thêm độ dẻo dai của chá cá, chút thơm thơm, bùi bùi của pate thì phải gọi là "đỉnh cao". Đồ ăn kèm là dưa leo và ngò rí để cân bằng lại tất cả mùi vị đủ đầy trong món bánh mì chảo.

Bánh mì giờ đã theo chân người Việt đi khắp thế giới. Những du khách từ khắp thế giới từng thưởng thức món ăn đặc biệt này ở Việt Nam cũng mang ấn tượng về nó đi khắp nơi. Bánh mì được ghi tên vào từ điển Oxford vào ngày 24-3-2011. Oxford English Dictionary khi đó đã thêm từ "Banh mi" vào từ điển và giải nghĩa rằng đây là món ăn nổi tiếng của người Việt Nam, được tạo nên từ bánh mì xẻ đôi, cho thêm phần nhân rất phong phú gồm pate, thịt, rau củ, nước sốt, tương ớt...

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật