Bánh mì 3 miền Bắc - Trung - Nam khác nhau ở điểm gì? Nguồn gốc bánh mì Việt Nam

Bánh mì là món ăn hiện diện ở khắp hang cùng ngõ hẻm, đi vào đời sống của người dân Việt Nam như một thói quen không thể thiếu. Người dân Việt vẫn thường gọi vui bánh mì là món ăn “đa cấp” của mọi nhà bởi nó không chỉ làm hài lòng những người dân lao động ít tiền mà còn khiến giới có tiền cũng phải “say mê” không kém. Chỉ bằng một ổ bánh mì nho nhỏ mà người ta đã biến hóa ra biết bao nhiêu món ngon với sự hấp dẫn của rất nhiều mùi vị.

Không ai biết ai là người đã đưa bánh mì du nhập vào Việt Nam để món ăn này trở thành một nét văn hóa ẩm thực đường phố nổi tiếng trên toàn thế giới. Có người cho rằng bánh mì ra đời cùng với chủ nghĩa thuộc địa những năm 1887, khi người Pháp chiếm đóng Việt Nam đem theo thứ bánh mì baguette vào, bánh mì của họ khi ấy chỉ đơn giản là được phết một lớp bơ mỏng và patê dùng kèm với cà phê sữa đặc buổi sáng.

Giống như cà phê theo chân người Pháp vào Việt Nam rồi trở thành một nét văn hóa rất đặc trưng, trải qua thời gian, bánh mì đã có những khúc biến tấu ngọt ngào và kỳ diệu. Khi người Pháp rút khỏi Việt Nam cũng là lúc bánh mì trở thành một bản thể rất Việt với sự hòa trộn của thịt lợn, rau thơm, dưa góp và tương ớt. Chiếc bánh mì Việt Nam ra đời mang màu sắc của một đất nước nhiệt đới – nghĩa là có thịt, có rau cân bằng dinh dưỡng chứ không đơn thuần là món baguette chỉ toàn đạm béo rất ngấy. Có thể nói, sự hòa quyện trong một tổng thể nhân của bánh mì Việt Nam là sự hòa hợp về đời sống của những người dân thuần nông chân chất, thật thà. Và thế là, bánh mì Việt Nam dần dần trở thành món “cơm tay cầm” mà người Việt sử dụng trong bất cứ thời điểm nào trong ngày từ ăn sáng đến ăn tối, ăn khuya.

Bánh mì Việt Nam là món ăn phong phú và đa dạng hơn cả, bởi ảnh hưởng sâu sắc của đặc trưng văn hóa vùng miền và đa dạng dân tộc. Ngoài bắc có bánh mì Hà Nội và bánh mì cay Hải Phòng - thứ bánh mì chỉ bé bằng khoảng ba ngón tay, phết một lớp pate mỏng và cuối cùng là thứ tương ớt có màu đỏ cam cay xè lưỡi nhưng đưa lên miệng cắn một miếng là tỉnh cả người, vừa xuýt xoa vì cay vừa khoan khoái, thích thú vì lớp vỏ giòn tan, lại được vị ngọt bùi của pate nịnh cuống họng, ăn một cái lại muốn ăn thêm. Cái thú vị của bánh mì cay Hải Phòng chính là ở chỗ, chiếc bánh mì rất bé với lớp nhân chính chỉ có pate, ăn nhâm nhi nhiều cũng không dễ bị ngán. Bên cạnh bánh mì cay, người ghiền bánh mì cũng sẽ dành niềm thương nỗi nhớ cho bánh mì Hà Nội. Trên khắp con đường phố cổ quanh co, những con ngõ nhỏ lặng lẽ, đêm nào cũng văng vẳng một tiếng rao “Ai bánh mì nóng giòn không”.

Tiếng rao ấy là ký ức của một thời học trò thân thương những đêm đông lạnh vẫn chong đèn học bài. Chỉ một ổ bánh mì nóng hổi mà biết bao nhiêu người đã có thêm nhiệt thành để đi qua những đêm dài lạnh lẽo, chiếc bánh mì giúp xoa dịu cơn đói, làm ấm lòng từ những mảnh đời vất vả mưu sinh trong đêm cho đến tương lai thành đạt của những cô cậu học trò. Bánh mì Hà Nội cũng phong phú, đa dạng như nét ẩm thực của mảnh đất này. Rất nhiều loại bánh mì có thể tìm thấy trên phố phường Hà Nội, từ bánh mì nhân ngọt đến bánh mì nhân mặn, bánh mì kẹp nhân hay bánh mì dùng ăn kèm với nhân riêng như bánh mì chảo, bánh mì sốt vang… Dù là trong chiếc bánh mì ấy có thể kẹp một loại nhân nào đi chăng nữa thì người ta vẫn thấy bánh mì Hà Nội toát lên cái chất riêng. Có lẽ bởi một nghệ thuật sắp đặt khéo léo mà người Hà Nội đã giữ trong những món ăn của mình: là sự chân tình, ấm cúng mà thống nhất, đó cũng chính là nét đặc trưng ảnh hưởng từ tính cách có phần tinh tế của người Kẻ Chợ.

Sau bánh mì Hà Nội, đi vào đến miền Trung, người ta sẽ nhớ đến bánh mì cổ điển của Hội An - gồm có bánh mì, thịt lợn, patê, dưa chuột thái lát dài, rau mùi tươi, cà rốt ngâm và một vài lát cà chua chín mọng, trên cùng là một lớp tương ớt cùng với hai loại sốt thịt khác nhau – một loại từ thịt luộc, một loại từ thịt hun khói. Vào sâu hơn nữa, du khách sẽ chẳng thể nào bỏ qua bánh mì chả cá thu - đặc sản của Nha Trang, thứ bánh mì mà một khi đã sống ở đây rồi, người ta sẽ chỉ muốn thức dậy khởi đầu một ngày mới với nó bên cạnh một ly cà phê đen đá. Bánh mì chả cá thu ngon lắm, ăn rồi thì sẽ nhớ mãi, như nhớ tấm lòng chân chất, thật thà của người dân nơi đây, nó đơn giản lắm, chỉ có vài miếng chả cá thu cắt ra, ít củ kiệu, dưa góp, ít hành lá và đầu hành, thêm nước mắm cốt pha ớt chỉ thiên đậm đà mà cay xé. Nhưng bí quyết ngon là nằm ở miếng chả cá cơ, chả cá thu ngọt béo, khi rán lên thơm lừng, cắn một miếng thấy giòn dai, bên trong điểm tô những miếng mỡ phần sần sật. Cuối cùng, khi bước chân du khách dừng lại ở Sài Gòn – trở về với nơi mà bánh mì đi vào Việt Nam đầu tiên và sau đó cũng là nơi đưa chiếc bánh mì vài ngàn một ổ này đi khắp thế giới, bánh mì Sài Gòn độc lạ và ngang ngược trong một nét riêng không trộn lẫn. Bánh mì Sài Gòn phong phú về nhân hơn cả: bánh mì thịt nướng, bánh mì xíu mại, bánh mì thịt nguội, bánh mì ốp la, bánh mì heo quay… Nhưng người Sài Gòn thường thích ăn nhiều rau hơn, vì vậy ổ bánh mì của họ thường có thêm vài lát cà chua, dưa chuột, cà rốt ngâm chua, thêm ít rau mùi, một vài cọng hành và vài miếng ớt hiểm cay nồng.

Để điểm hết những biến tấu trong lớp nhân bánh mì của người Việt thì chẳng thể kể hết. Người Việt vẫn luôn thưởng thức bánh mì theo một nét riêng, ngay cả khi đó chỉ là món bánh mì chấm sữa đặc ông Thọ, uống cùng cà phê bảy nghìn một cốc. Bởi thế, dù đã du nhập biết bao nhiêu loại bánh mì từ các thương hiệu nổi tiếng khắp nơi trên thế giới, thì bánh mì Việt Nam vẫn sẽ là một món ăn bình dân mang đặc nét văn hóa, tinh hoa của nghệ thuật ẩm thực đường phố Việt. Không quá quan trọng là nguyên liệu đắt tiền, chỉ từ năm ngàn đến hai mươi ngàn, bạn sẽ có ngay một chiếc bánh mì kẹp hấp dẫn với nhiều loại nhân để thử: nhân thập cẩm, nhân trứng ốp, nhân nem chua và khoai tây chiên giòn, nhân chả cốm, nhân chả cá hay đơn giản là bánh mì pate cay ăn mãi không muốn dừng.

Đánh giá:  
5.0 / 5  (1 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật