Trong 11 tháng năm 2021, lượng đường nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan giảm 70% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân số liệu giảm mạnh như vậy là do đường Thái Lan đã bị Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp vào giữa tháng 6, ở mức gần 48%.
Tuy nhiên, đường Thái Lan nhập khẩu lao dốc thì ngược lại lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar) lại tăng gấp đột biến.
Trước thực trạng này, doanh nghiệp Việt Nam cùng các chuyên gia cho rằng đường Thái Lan đã mượn các nước ASEAN để luồng hàng vào nước ta trốn thuế.
Minh chứng là bất chấp dịch bệnh COVID-19, xuất khẩu đường từ Thái Lan sang Campuchia và Lào đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, lượng đường Việt Nam đã nhập khẩu từ 2 nước trên nhỏ hơn nhiều so với khối lượng đường các nước này nhập khẩu từ Thái Lan.
Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy hành động gian lận thương mại đường nhập lậu đang diễn biến tại khu vực các tỉnh biên giới nước ta hiện nay.
Bộ Công Thương cũng đã quyết định điều tra thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN.
Doanh nghiệp Việt Nam hiện đang hi vọng kết quả điều tra sẽ có vào quý I/2022 để kịp thời ngăn chặn tình trạng nhập khẩu lậu như hiện nay.
Hiện nay, Tổng cục Hải quan cũng đã “siết” đường nhập lậu và truy xuất nguồn gốc hàng hóa rõ ràng hơn, nên lượng hàng nhập khẩu đã giảm mạnh.
Nhờ đó đường nội địa không còn bị cạnh tranh gay gắt, thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ đường tinh luyện nội địa.
Cụ thể từ các số liệu, năm 2021, lượng đường nhập khẩu đã giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi, lượng tiêu thụ trong nước, sản lượng tiêu thụ đường tinh luyện từ mía trong nước của Việt Nam năm 2021 tăng 68% so với cùng kỳ năm 2020.
Tận dụng thời cơ, những công ty mía đường lớn đều đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng mía đường cũng như lợi nhuận.