Theo ghi nhận mới nhất, hiện giá đường bán trong nước có giá hơn 20.000 đồng/kg - mức giá cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Trong đó, giá bán lẻ đường cát dao động 21.000-22.000 đồng/kg, còn trong các siêu thị từ 23.000-25.000 đồng/kg.
Hiện giá đường trong nước tăng cao do hai nguyên nhân tác động. Cụ thể, giá đường thế giới tăng mạnh lên 560 USD/tấn, cao hơn 100 USD/tấn so với năm ngoái.
Thứ hai, Bộ Công thương áp dụng thuế chống bán phá giá với sản phẩm đường mía từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm. Từ những nguyên nhân trên đã kéo giá đường trong nước tăng cao. Dự báo, ngành mía đường nước ta sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Giá đường trong nước tăng cao khiến nhiều nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) – đây là nơi có diện tích trồng mía lớn nhất vùng ĐBSCL đặt kỳ vọng vào một vụ mía ngọt.
Theo đó, vùng mía Phụng Hiệp vừa bán mía để làm nước giải khát vừa cung cấp hàng tấn mía nguyên liệu mỗi năm cho nhà máy đường Phụng Hiệp. Hiện nhà máy này đang thu mua mức giá 250 đồng/kg so với vụ mía trước, khiến nhiều nông dân phấn khởi.
Trước đây, giá mía đường có mức thấp, tồn đọng tại các nhà máy sản xuất không thể tiêu thụ. Do giá thành sản xuất cao, không cạnh tranh lại với các nước khác trong khu vực. Vấn nạn buôn đường lậu qua biên giới cũng gây ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Do đó, nhiều hộ dân không thể cầm cự đành chuyển sang canh tác loại cây mới. Tuy nhiên, năm nay giá đường khởi sắc kéo theo giá mía tăng, người nông dân trồng mía hi vọng sẽ có vụ mía “ngọt”.