Trên mỗi bàn thờ Thần Tài đều có Ông Địa và Thần Tài. Theo tín ngưỡng dân gian, ông Địa hay còn được gọi là Thổ Công, là vị Thần cai quản mảnh đất mà mỗi gia đình đang sinh sống. Ông thường được biết tới với hình ảnh là một ông lão có chiếc bụng to, tay cầm quạt và luôn mang vẻ mặt rất hiền lành, phúc hậu.
Trong khi đó, Thần Tài là vị Thần giúp trông coi và đem tới tiền bạc hay sự may mắn về mặt kinh tế cho các gia đình. Thần Tài thường được biết tới với hình ảnh một ông lão râu tóc bạc phơ, trên tay có cầm thỏi vàng và gương mặt cũng rất hiền lành, nhân hậu.
Với những người làm ăn, kinh doanh hay các doanh nghiệp, việc thờ Thần Tài, Thổ Địa rất quan trọng. Mọi người có thể cúng Thần Tài hàng ngày nhưng cũng có thể cúng vào các ngày Rằm, mùng 1.
Chị Hoàng Hải Hà, là chủ 1 cửa hàng bán các sản phẩm liên quan đến mẹ và bé ở Hải Phòng cho biết, chị rất coi trọng việc thắp hương ở ban thờ Thần Tài. Cứ vào sáng mùng 1, chị thường đi mua đồ thắp hương từ sáng sớm.
Theo chị, đồ cúng trên ban thờ Thần Tài cần có hoa, quả, bánh kẹo và các sản vật theo mùa. Cầu kỳ hơn, chị có thể mua thêm đồ mặn như bánh bao và thịt quay để cúng. Dân gian truyền miệng Thần Tài rất thích món lợn quay và chuối chín vàng.
Chị Hà cũng chia sẻ, với những ngày thường chị chỉ mua 1 ít hoa quả thắp hương, còn những ngày mùng 1 và ngày Rằm chị mới thắp hương cầu kỳ 1 chút. Tuy nhiên, cũng tùy điều kiện mỗi gia đình để thờ cúng, có thể cúng hoặc không hoặc tùy điều kiện để mua sắm các mâm cỗ cúng Thần Tài.
Trước khi bày biện đồ cúng, chị sẽ lau dọn ban thờ thật gọn gàng và sạch sẽ, rồi mới bày biện. Nước lau bàn thờ Thần Tài có thể là nước trắng hoặc nước hoa bưởi hoặc nước pha 1 chút rượu trắng.
Cúng Thần Tài cần cúng vào buổi sáng từ 7h -9h bởi đây là giờ Thìn, giờ được xem là đẹp nhất trong ngày. Chị Hà cũng cho biết, do chị làm về kinh doanh nên ban thờ phải được đặt ở nơi quan trọng nhất ở cửa hàng. Ngoài ra, chị Hà cũng chia sẻ, ban thờ Thần Tài không được đặt trước cửa phòng tắm hay gần khu vực để thùng rác hoặc quần áo nữ. Điều đó đồng nghĩa với việc làm ô uế, vấy bẩn lên vị thần. Nơi đặt bàn thờ Ông Địa và Thần Tài phải luôn sạch sẽ.
Dù “mâm cao cỗ đầy” hay “của ít lòng nhiều” thì điều quan trọng nhất chị Hà cho rằng vẫn cần phải có sự thành tâm và sống thiện. Bởi theo quan niệm của người Việt Nam, “Thần Phật đều có mắt”, ám chỉ những việc làm sai trái của con người đều không thể qua được mắt của Thánh Thần. Đặc biệt, với những người làm kinh doanh, chị Hà cũng chia sẻ thêm rằng, ngoài việc thắp hương cúng Thần Tài hàng ngày hoặc chỉ cúng vào ngày Rằm, mùng 1, thì chỉ có việc buôn bán thật, làm việc bằng cả tâm huyết và trí tuệ, mang đến những dịch vụ làm hài lòng khách hàng nhất mới là yếu tố tiên quyết, quyết định đến sự thành công và tài lộc của mỗi cửa hàng hay doanh nghiệp.