Thông tin trên báo chí, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) - cho biết, tính đến hết tháng 4/2021, Cục BVTV đã cấp 3.414 mã số vùng trồng cho trái cây, rau, hạt giống xuất khẩu trong toàn quốc. Đối với trái cây tươi, đã cấp 2.821 mã số vùng trồng cho 12 loại trái cây với diện tích vùng trồng đã được cấp mã số là 196.226,13 ha, chiếm khoảng 17% tổng diện tích trồng cây ăn quả trong cả nước.
Cục BVTV cũng đã cấp 11 mã vùng trồng cho hạt giống ớt và cà chua; 193 mã số rau gia vị sản xuất trong nhà lưới xuất khẩu sang EU; và 389 mã số ngọn cây cảnh, cây hoa xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc. Các sản phẩm này chủ yếu được trồng trong nhà lưới với điều kiện nghiêm ngặt để đảm bảo hạn chế sự xâm nhập và gây hại của sinh vật gây hại, qua đó giảm thiểu số lần sử dụng thuốc BVTV hoặc thậm chí không sử dụng. Tổng diện tích nhà lưới của các mã số vùng trồng này đạt hơn 61 ha.
Đối với cây lúa, cho đến nay vẫn chưa chính thức cấp mã số vùng trồng lúa để xuất khẩu. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu (khoảng 210 ngàn ha) đã được kiểm soát để phục vụ xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và EU (gạo thơm).
Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) Ngô Tường Vy cho rằng, việc xây dựng các vùng trồng gắn liền với cấp mã số vùng là xu hướng tất yếu của các thị trường nhập khẩu. Đây cũng là một tiêu chuẩn quan trọng để được hưởng những ưu đãi về thuế suất từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Do đó, mã vùng trồng chính là "vé thông hành" cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp mã vùng trồng cho một số hộ trồng nhãn chín muộn ở hai huyện Hoài Đức và Quốc Oai theo tiêu chuẩn của thị trường Hoa Kỳ. Việc cấp mã vùng trồng đã mở cánh cửa xuất khẩu cho nhãn chín muộn của Thủ đô sang thị trường Hoa Kỳ, Ba Lan, Malaysia, Australia…
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung, vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam. Nguyên nhân chính của tồn tại này là do tình trạng doanh nghiệp đến vụ thu hoạch mới thu gom nông sản từ các vùng trồng mà chưa ký kết hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ để định hướng tổ chức sản xuất cho phù hợp. Việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới chỉ triển khai chủ yếu đối với các mặt hàng xuất khẩu, theo yêu cầu cụ thể của nước nhập khẩu. Chưa chú trọng đến việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng cho các sản phẩm trồng trọt phục vụ tiêu thụ nội địa.
Để tăng cường quản lý mã số vùng trồng, ông Hoàng Trung cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra. Về phía Cục BVTV sẽ hướng dẫn, đôn đốc hệ thống cơ quan chuyên môn về BVTV tại địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với nước nhập khẩu để thực hiện các đợt thanh tra, kiểm tra theo quy định của nước nhập khẩu, tránh tối đa việc ảnh hưởng đến thương mại song phương hoặc thu hồi, đình chỉ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, cấp và quản lý mã số vùng trồng là yếu tố quan trọng góp phần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thời kỳ hậu Covid-19. Do đó, trong thời gian tới, cùng với việc quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng đã cấp, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng một số vùng nguyên liệu trọng điểm nhằm phục vụ xuất khẩu, đẩy mạnh hướng dẫn các địa phương xây dựng mã số vùng trồng để có đầy đủ dữ liệu về quy mô sản lượng, mùa vụ, thời điểm thu hoạch..., qua đó chủ động kết nối thông tin với thị trường nhập khẩu.