Các thị trường hồi phục, doanh thu tăng trưởng 2 con số
Có tới 10/14 doanh nghiệp thủy sản có doanh thu tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021 trong đó Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Ngô Quyền (NGC) là doanh nghiệp có mức doanh thu tăng trưởng cao nhất, cùng kỳ năm trước NGC chỉ có 8,7 tỷ đồng doanh thu thì kết thúc 6 tháng đầu năm 2021 NGC đạt gần 50 tỷ đồng doanh thu cao gấp gần 6 lần cùng kỳ.
Các ông lớn trong ngành như Minh Phú (MPC), Vĩnh Hoàn (VHC), Thực phẩm Sao Ta (FMC) và Navico (ANV) cũng đồng loạt có doanh thu tăng trưởng trong nửa đầu năm nay.
Trong đó nổi bật là FMC với doanh số 6 tháng đầu năm đạt hơn 99 triệu USD, tương đương 2.279 tỷ đồng và tăng 29% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động kinh doanh tôm tăng trưởng 29%, cao hơn so với mặt bằng chung toàn ngành vào khoảng 15%. Có thể thấy với khách hàng đa số là công ty dịch vụ tại Nhật Bản, dù đang hạn chế do dịch khiến nhiều nhà hàng chưa trở lại bình thường, nhưng FMC vẫn có tăng trưởng tiêu thụ so với năm 2020 là tín hiệu tốt.
Thuỷ sản Nam Việt (ANV) sau khi hụt hơi trong quý 1 sang quý 2 có doanh thu tăng trưởng 22% giúp 6 tháng tăng trưởng 5% so với cùng kỳ.
Gánh nặng chi phí vận chuyển
Mặc dù doanh thu khởi sắc nhưng gánh nặng chi phí đặc biệt là phí vận chuyển khiến lợi nhuận nửa đầu năm 2021. Đa phần các doanh nghiệp thủy sản có chi phí bán hàng 6 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ.
Trong đó Thủy sản Nam Việt (ANV) có chi phí bán hàng tăng 40%, chủ yếu đến từ phí cước tàu, phí vận chuyển. Không chỉ Nam Việt, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản khác cũng chịu ảnh hưởng khi cước vận chuyển tăng. Nguyên nhân khiến giá cước tăng phi mã do nhu cầu tăng, tình trạng thiếu container, tắc nghẽn cảng, thiếu tàu cũng như thiếu công nhân bốc dỡ tại cảng.
Lợi nhuận chung nhóm ngành tăng trưởng gần 17%
Ông lớn Vĩnh Hoàn (VHC) lãi ròng quý 2/2021 đạt 261 tỷ đồng, tăng 16% cùng kỳ năm trước và cao nhất trong 7 quý trở lại đây. Nhờ lãi tốt trong quý 2 mà lũy kế 6 tháng LNST hợp nhất đạt 392 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% cùng kỳ 2020. Thực phẩm Sao Ta (FMC) kết thúc 6 tháng có LNST đạt 113 tỷ đồng, trong đó LNST công ty mẹ là 105 tỷ đồng, tăng 14% so với nửa đầu năm ngoái.
Nổi bật nhất trong nhóm này là kết quả 6 tháng đầu năm của Kiên Hùng (KHS) với lợi nhuận sau thuế đạt 38 tỷ đồng, cao gấp hơn 5 lần cùng kỳ và vượt 42% kế hoạch lãi cả năm 2021. Theo giải trình từ phía công ty trong kỳ khách hàng nhập khẩu hàng hóa của Kiên Hùng tại Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…tạm thời phục hồi và ổn định trở lại. KHS chủ động nguồn nguyên liệu nhập khẩu với giá cạnh tranh để duy trì sản xuất ổn định.
Tiếp đó là ACL lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 gần 22 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Hiện ACL đặt trọng tâm vào hoạt động nuôi trồng chất lượng cao, Công ty đang nuôi trồng với diện tích 100 hecta vùng nuôi, hàng năm thu hoạch sản lượng 35,000 tấn nguyên liệu.
ACL cho biết kết quả năm 2021 sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng phục hồi của các thị trường sau khi đại dịch được khống chế. Dự kiến tình hình xuất khẩu của ACL sẽ không quá ảm đạm trong thời gian chờ đợi các quốc gia tiêu thụ cá tra lớn kiểm soát được dịch bệnh, bởi ACL vẫn còn thị trường Châu Á, Nam Mỹ và một số thị trường tiềm năng khác chưa khai thác hết.
Đáng chú ý trong nhóm này có các khoản lỗ của BLF, AAM và TS4 tuy nhiên như TS4 khoản lỗ kỳ này giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Thách thức 6 tháng cuối năm 2021
Mặc dù có lãi tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2021 nhưng đa phần các doanh nghiệp thủy sản đang có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch ở mức không cao trong đó cá biệt có những doanh nghiệp tỷ lệ hoàn thành ở mức rất thấp trong đó điển hình là NGC lãi 6 tháng chỉ đạt 1 tỷ đồng trong khi mục tiêu kinh doanh năm nay của NGC là có lãi tới 41 tỷ đồng sau 2 năm liên tiếp trước đó là 2019 và 2020 thua lỗ lần lượt 16 và 17 tỷ đồng.
Ngoài ra ông lớn Thủy sản Minh Phú (MPC) đặt mục tiêu đạt 1.092 tỷ lãi sau thuế tăng 62% so với thực hiện năm 2020. Tuy nhiên lãnh đạo MPC nhận định: "Kế hoạch sản xuất sẽ đạt nhưng kế hoạch bán hàng và kế hoạch lợi nhuận khả năng sẽ chỉ đạt 80%. Nếu tình hình chúng tôi giải quyết được các vấn đề về container thì mới đạt vượt kế hoạch được. Một số tàu đi sang quốc tế, thủy thủ tàu nhiễm Covid-19 do đó đã thiếu tàu lại càng thiếu thêm".
Trước đó theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), dịch COVID-19 ở những thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu (EU), Anh, Canada, Trung Quốc... đang dần được kiểm soát nhờ người dân các quốc gia này được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng. Điều này sẽ đưa kinh tế và các hoạt động xã hội tại những thị trường này sớm trở lại. Khi đó, nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của những thị trường này sẽ tăng nhanh. Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong giai đoạn nửa cuối năm 2021 sẽ tăng mạnh.
Tuy nhiên triển vọng này đã bị chững lại từ giữa tháng 7 khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát ở khu vực trọng điểm sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản là TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đúng vào giai đoạn cao điểm thu hoạch, chế biến và xuất khẩu thủy sản....Đây thực sự là thách thức lớn cho các doanh nghiệp ngành thủy sản trong nửa cuối của năm 2021.