Khu vực vùng biên Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) người nông dân không khỏi vui mừng khi sau gần 10 năm canh tác, cây mắc ca đã dần khẳng định được hiệu quả kinh tế, tạo ra nguồn thu nhập ổn định.
Theo đó, từ năm 2012, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) được hỗ trợ cây giống mắc ca để trồng trọt. Sau 3 năm, cây bắt đầu ra hoa. Đến năm thứ 5, mắc ca bắt đầu cho sản lượng và mang lại lợi nhuận cho người nông dân.
Được biết, toàn huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) hiện có khoảng 1.600 ha mắc ca, trung bình đạt từ 1,5 - 2 tấn/ha, nhiều vườn đạt 2,5 tấn/ha.
Theo tìm hiểu, cây mắc ca rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Đắk Nông. Mắc ca còn là loại cây ít phải chăm sóc, bón phân. Loại cây này còn góp phần phủ xanh đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng.
Một chủ vườn trồng mắc ca được 10 năm chia sẻ: “Cứ vào vụ thu hoạch mắc ca là thương lái vào tận nhà mua, có người còn đặt cọc trước. Quả hái đến đâu là người ta mua, trả tiền đến đó”.
Giá bán mắc ca tại vườn hiện dao động trên dưới 100.000 đồng/kg, nhiều gia đình thu được cả trăm triệu từ mắc ca mỗi năm.
Phần lớn mắc ca được trồng xen trong rẫy cà phê, hồ tiêu và đang phát triển tốt, cho năng suất tương đối ổn định.
Một số nhà vườn khác chia sẻ, việc trồng cây mắc ca xen lẫn cây trồng khác sẽ giúp che chắn gió, mưa bão tốt vì thân cây mắc ca to, mang lại năng suất cao cho các loại cây trồng.
Nhờ hiệu quả tích cực, nhiều đồng bào các dân tộc xã biên giới Quảng Trực đã lựa chọn mắc ca là cây để phát triển kinh tế.