Không có khách du lịch, hải sản Phú Quốc giảm giá mạnh

Tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến đảo Phú Quốc không còn khách du lịch. Theo đó, nguồn hải sản đánh bắt được cũng chỉ phục vụ người dân trên đảo. Ngoài ra, khâu thu mua, vận chuyển ở thời điểm này cũng khó khăn nên giá hải sản tại Phú Quốc những ngày này giảm mạnh.

Hải sản Phú Quốc rất đa dạng như tôm, mực, cua, ghẹ, cá trích, cá mú,..... Trước nay, hải sản ở đây vẫn thường được bán với giá cao. Có loại lên đến tiền triệu.

Thời gian gần đây, thời tiết thuận lợi nên ngư dân cũng đánh bắt được sản lượng hải sản lớn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không có khách du lịch đến, các nhà hàng, quán ăn cũng đồng loạt đóng cửa, nên hiện nay hải sản ở đây chỉ phục vụ cho dân địa phương khiến cho giá giảm mạnh. 

Như đối với tôm tít ở Phú Quốc hiện nay chỉ bán với giá 280.000 đồng/kg. Trong khi đó, loại tôm này trước dịch có giá trung bình 600.000 - 700.000 đồng/kg. Thậm chí, có thời điểm còn trên 1.000.000 đồng/kg. 

Giá của mực chớp, cá mú cũng chung tình cảnh. Theo đó, mực chớp hiện nay bán với giá 120.000-150.000 đồng/kg. Trong khi đó, trước dịch loại mực này có giá 350.000-400.000 đồng/kg. Cá mú trên 200.000 đồng/kg giảm xuống còn 110.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ghẹ loại 250.000-300.000 đồng/kg giảm xuống 120.000-150.000 đồng/kg. Ốc voi 120.000-150.000 đồng chỉ còn 90.000 đồng/kg.

Giá các loại hải sản ở Phú Quốc như tôm, ghẹ, cá mú, ốc voi,... đều giảm mạnh so với trước dịch
Giá các loại hải sản ở Phú Quốc như tôm, ghẹ, cá mú, ốc voi,... đều giảm mạnh so với trước dịch

Không chỉ tại Phú Quốc, các địa phương khác thuộc tỉnh Kiên Giang hiện nay cũng rất khó tiêu thụ hải sản dù giá đã giảm mạnh. 

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tổng sản lượng thủy sản nuôi của địa phương này hiện đang tồn đọng trên 1.300 tấn.

Việc thực hiện các biện pháp giãn cách trong tỉnh cũng như các tỉnh, thành trên cả nước đã tạo nên những rào cản lớn trong việc vận chuyển, tiêu thụ. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hải sản cũng giảm công suất, tạm ngưng hoạt động nên việc tiêu thụ; khâu thu hoạch, bốc vác, phân loại sản phẩm thường phải sử dụng số lượng lao động thường vượt quá quy định theo Chỉ thị 16 nên việc thu mua, tiêu thụ hải sản ở địa phương này càng khó khăn hơn.

Để giải quyết vấn đề này, hiện nay tỉnh Kiên Giang đã kết nối cung cầu nhằm tháo gỡ khó khăn lưu thông hàng hóa, thu mua, thu hoạch thủy sản. Cùng với đó là việc đảm bảo khâu bảo quản thủy sản trong điều kiện khẩn cấp do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.

Đánh giá:  
5.0 / 5  (1 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật