Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Ông Công Ông Táo?

Theo quan niệm của người Việt Nam, hàng năm cứ đến dịp 23 tháng chạp năm âm lịch mọi gia đình lại tất bật chuẩn bị đồ cúng Ông Công Ông Táo. Tuy đây không phải ngày lễ được tổ chức linh đình nhưng Ông Công Ông Táo đã trở thành một ngày lễ truyền thống trong mỗi gia đình, thể hiện sự kính trọng của người dân với thần linh, thể hiện sự mong mỏi cuộc sống ấm no trong năm mới sắp đến. Vậy tại sao lại có ngày lễ cúng Ông Công Ông Táo, nguồn gốc, ý nghĩa ngày Ông Công Ông Táo là gì? Tất cả sẽ được Food.com.vn giới thiệu thông qua những nội dung dưới đây!

Sự tích về Ông Công Ông Táo

Có rất nhiều sự tích khác nhau về Ông Công Ông Táo được truyền miệng qua thời gian. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, có lẽ sự tích Ông Công Ông Táo là thần hộ mệnh trong mỗi gia đình, chịu trách nhiệm cai quản chuyện bếp núc được tương truyền rộng rãi nhất.

Cụ thể, cha ông ta kể rằng, ngày xưa có một đôi vợ chồng trẻ là Thị Nhi và Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn nồng với nhau trong thời gian dài nhưng mãi không sinh được con. Lâu dần, người chồng bắt đầu kiếm chuyện gây gổ, dằn vặt vợ. Mâu thuẫn lâu dần cho đến một ngày Trọng Cao nổi giận đánh đập và đuổi Thị Nhi ra khỏi nhà. Thị lưu lạc đến một xứ khác và nên duyên với Phạm Lang.

Sự tích ông công ông táo

Về phần người chồng cũ, sau khi nguôi giận anh đã cảm thấy ân hận và quyết tâm lên đường đi tìm vợ. Ngày qua ngày, sau khi tìm mãi hết gạo hết tiền, Trọng Cao trở thành kẻ ăn xin dọc đường, tình cờ ăn xin đúng nhà Thị Nhi. Thương tình cảm vợ chồng cũ, nàng đã mời Trọng Cao vào nhà nấu cơm mời chàng trong lúc Phạm Lang đi vắng. Tuy nhiên đúng lúc đó Phạm Lang trở về nên Thị đành giấu Trọng Cao trong đống rơm sau nhà.

Xui rủi vì thấy tro bón ruộng đã hết nên Phạm Lang đã đốt đống rơm để lấy tro. Phát hiện điều này, Thị Nhi đã lao mình vào lửa để cứu Trọng Cao, người chồng mới thương vợ cũng nhảy vào để cứu. Tuy nhiên cả ba đều không may thoát nạn.

Sau khi biết được sự việc, Ngọc Hoàng thấy cả 3 người đều có tình có nghĩa nên đã quyết định giao cho 3 người công việc dưới trần gian. Người chồng mới là Thổ Công trông coi công việc bếp núc, người chồng mới là Thổ Địa chịu trách nghiệm trông coi việc nhà, người vợ là Thổ Kỳ chịu trách nghiệm trông coi công việc chợ búa.

Ý nghĩa ngày Ông Công Ông Táo

Theo truyền thuyết, Táo quân được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian để theo dõi, ghi chép những công việc thiện ác của con người. Cuối năm cứ đến ngày 23 tháng chạp âm lịch sẽ quay về thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng.

Dựa vào những lời bẩm báo này, Thiên Đình sẽ định đoạt vận may, phú quý hay bị trừng phạt trong năm tiếp theo đối con người. Cho đến đêm giao thừa, Ông Công Ông Táo sẽ quay lại trần gian để tiếp tục trông coi việc bếp núc, nhà cửa trong gia đình.

Cá chép hóa vàng

Bởi vậy, cứ đến ngày 23 tháng chạp hàng năm, mọi gia đình người Việt lại làm lễ cúng để tiễn Ông Công Ông Táo về chầu trời sau một năm trông coi công việc trong gia đình. Lễ cũng sẽ có đầy đủ những vật phẩm khác nhau bao gồm:

-         Mũ Ông Công Ông Táo: Cần chuẩn bị 3 mũ trong đó có 2 mũ đàn ông và 1 mũ đàn bà.

-         Cá chép sống hoặc cá chép giấy để phục vụ lễ hóa vàng: Đây là biểu tượng tượng trưng cho phương tiện di chuyển của Ông Công Ông Táo trong ngày trở về thiên đình.

-         Áo, giấy vàng… để thực hiện công tác hóa vàng

-         Cuối cùng, bạn cần chuẩn bị thêm một mâm cơm cúng với những món ăn cơ bản như: Thịt gà luộc, ba chỉ luộc, rau xào, …. Tùy vào từng địa phương sẽ có mâm cơm cúng khác nhau.

Mâm cơm cúng ông công ông táo

Trên đây là một số thông tin về nguồn gốc cũng như ý nghĩa ngày Ông Công Ông Táo. Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu hơn về ngày lễ truyền thống của dân tộc. Từ đó góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa tâm linh Việt Nam đến đông đảo người dân và những vị khách du lịch.

 

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật