Những ngày gần đây, người nuôi tôm hùm ngụ TP Cam Ranh, Khánh Hòa không giấu được nụ cười khi tôm liên tục được xuất bán với giá cao. Người dân dần vui vẻ trở lại sau thời gian dài dịch bệnh phức tạp khiến tôm nuôi mãi không ai mua, giá thấp bán thì lỗ.
Theo đó, đại dịch Covid-19 ập đến khiến hàng trăm hộ nuôi tôm ở Cam Ranh lao đao. Người nuôi tôm phải cầm cự bằng cách tách lồng để tôm không bị chết. Thậm chí, nhiều người phải vay tiền để mua thức ăn duy trì lồng nuôi.
Giai đoạn giãn cách xã hội, khoảng tháng 8,9,10, giá tôm hùm xanh xuống thấp chỉ còn 350.000-450.000 đồng/kg. Tôm bông giá cũng xuống dưới 1 triệu/kg khiến người nuôi lỗ nặng.
Nuôi tôm có nhiều vụ khác nhau, tuy nhiên chủ yếu thị trường phục vụ dịp hè và Tết cuối năm. Vì lúc này là lượng khách du lịch tăng mạnh kéo theo lượng tiêu thụ cao. Mùa hè vừa rồi người dân không buôn bán được nên chỉ đành hi vọng vào những tháng cuối năm.
Hiện tình hình dịch ổn định hơn, các tỉnh thành mở cửa trở lại, thương lái bắt đầu thu mua khiến giá tôm tăng mạnh.
Ghi nhận mới nhất, giá tôm hùm xanh đang dao động ở mức từ 850.000 - 1,1 triệu đồng/kg, còn tôm bông có giá 1,9-2,3 triệu đồng/kg.
Một người nuôi tôm chia sẻ: Sau gần 2 năm mới bán được tôm, hiện giá tôm lại cao, thậm chí giá cao nhất 3 năm gần đây nhờ vậy kinh tế gia đình được cải thiện hơn.
Theo các thương lái, giá tôm tăng mạnh do thị trường trong nước dần hồi phục sau giãn cách xã hội ở các địa phương. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu tôm cũng bắt đầu nhộn nhịp nhập hàng trở lại.
Trong đó, thị trường Trung Quốc, Đài Loan là hai khách hàng tiềm năng nhất với nhu cầu tiêu thụ cao.
Tuy nhiên, hiện Trung Quốc có những thủ tục nhập hàng rất khắt khe để đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh. Nhiều container hàng hóa của các doanh nghiệp Việt đang bị ùn tắc tại các cửa khẩu chờ nhập hàng của Trung Quốc.
Hiện TP Cam Ranh còn có một vấn nạn là nuôi tôm hùm ngoài vùng quy hoạch, không đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài ra, việc nuôi tôm không đúng quy hoạch khi truy xuất nguồn gốc, chất lượng để xuất khẩu sẽ không được, đồng thời bị ép giá thấp gây thiệt hại cho người nuôi.