Theo y học cổ truyền, cây xấu hổ có vị ngọt, hơi se, tính hàn, có tác dụng thanh can hỏa, trấn tĩnh, an thần, giải độc, chống viêm, làm dịu cơn đau,... Bởi vậy, từ xưa cây xấu hổ đã là cây thuốc tốt của các thầy thuốc Đông y. Cây xấu hổ thuộc loại cây thảo, rất quen thuộc với đời sống thường ngày của người dân Việt Nam. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của cây xấu hổ là khi chạm phải, lá cây sẽ cụp xuống.
Thân cây lòa xòa, cong queo, có lông, có hoa nhỏ mọc ở kẽ lá, mùa hoa nở thường từ tháng 6 đến tháng 8. Ở nước ta, ây xấu hổ được phân bố rải rác khắp nơi từ đồng bằng đến vùng núi có độ cao dưới 1000m. Cây ưa sáng, thường mọc trên đất ẩm ở bãi sông, ven đường, nương rẫy, cây có khả năng chịu hạn hán và nắng nóng tốt, toàn cây có thể sử dụng làm thuốc được.
Theo y học cổ truyền, các bộ phận của cây xấu hổ khi dùng làm thuốc có những dược tính như sau: cành và lá cây có vị ngọt, tính lạnh, tác dụng thanh can hỏa, an thần, giải độc dùng để chữa viêm ruột, viêm dạ dày, mất ngủ. Rễ cây có vị chát, hơi đắng, tính ấm dùng để chữa viêm khí quản mãn tính, phong thấp đau nhức.
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, cây xấu hổ còn có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, chữa được chứng mất ngủ, giảm đau giúp cho người bệnh cảm thấy thư thái, thoải mái. Xấu hổ là cây thuốc nam chữa thận ứ nước khá tốt. Ngoài ra nó còn hiệu quả trong việc chữa mất ngủ, người bệnh có thể dùng 15-20g lá và cành cây xấu hổ phơi khô kết hợp với 20g cây lạc tiên sắc lấy nước uống hàng ngày, duy trì liên tục trong một tuần sẽ có một giấc ngủ ngon.
Theo dân gian, loại thảo dược này còn dùng để chữa bệnh xương khớp. Với những người bị đau nhức xương khớp lâu ngày, dùng rễ cây xấu hổ rửa sạch cắt ngắn phơi khô. Ngày dùng 120g rang lên, tẩm rượu rồi rang cho khô và thơm. Thêm 600ml nước sắc cho đến khi còn 200-300ml chia làm 2-3 lần uống trong ngày. Làm đều đặn như vậy 4-5 ngày là thấy có tác dụng rõ rệt.
Cây xấu hổ là thuốc nam nên không có tác dụng tức thì như thuốc tây nhưng lợi ích của nó mang lại vô cùng lớn và không gây tổn hại cho người bệnh. Tuy nhiên cây xấu hổ dùng với liều lượng thích hợp thì không độc, nhưng do thành phần hoạt chất của cây này có chứa Alkaloid, Mimosine nên nếu sử dụng với thuốc tây hoặc sử dụng lâu dài phải hết sức thận trọng, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa khi sử dụng.