Cây hẹ: Cây thuốc “vàng” không phải ai cũng biết

Hẹ là cây trồng quen thuộc và là thực phẩm không còn xa lạ với các gia đình. Bên cạnh đó, hẹ cũng là cây thuốc, đặc biệt các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vào mùa xuân hẹ là vị thuốc có tác dụng tốt nhất vì thời điểm này chất lượng làm thuốc của hẹ cao hơn.  

Trong thời tiết nắng ấm, cho pha chút lạnh lạnh đầu xuân, rau hẹ phát triển tươi tốt. Thứ rau này là thực phẩm của cả 4 mùa nhưng ăn vào mùa xuân là tốt nhất. Chỉ cần một khoảng đất nhỏ nhỏ các gia đình đã có thể trồng một vài khóm hẹ. Cây dễ trồng, nhanh lên, không tốn nhiều công chăm sóc.

Xưa nay, bên cạnh làm thực phẩm, dân gian vẫn lưu truyền một số bài thuốc đơn giản có dùng hẹ được dùng trong các trường hợp ho, cảm ở người lớn và trẻ nhỏ. Đơn giản nhất là lấy lá hẹ tươi, rửa sạch sau đó đem cắt nhỏ và cho đường phèn vào rồi đem hấp, lấy nước lá hẹ hấp để chữa ho, viêm hô hấp trên, đổ mồ hôi trộm cho trẻ em.

Lá hẹ tươi cũng được dùng để giã nát lọc lấy nước uống hay sắc lên để uống cũng là bài thuốc tốt để trị hen suyễn, khó thở. Ở nhiều nơi, người ta còn dùng kết hợp với gừng tươi, hấp lên để ăn, uống nước chữa cảm hay ho do lạnh. 

Từ trước đến nay, rau hẹ được dùng phổ biến nhất trong vấn đề chữa trị cảm sốt đặc biệt là với trẻ nhỏ, đây là một giải pháp hiệu quả khi mà việc chữa bệnh cho bé bằng thuốc kháng sinh bị hạn chế nhiều mặt. 

Thực tế trong các sách y khoa xưa còn lưu giữ rất nhiều bài thuốc có sử dụng hẹ. Đặc biệt, hẹ là cây lành tính không có độc, tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng và chế biến làm thuốc. 

Chỉ là một cây gia vị nhỏ bé nhưng cây hẹ lại nắm giữ nguồn kháng sinh tự nhiên nên trị được nhiều bệnh mà lại chẳng lo mệt mỏi, kháng thuốc. Đông y cho rằng, lá hẹ có vị cay, hơi chua, hăng, tính ấm có tác dụng trợ thận, bổ dương, huyết tán, giải độc, tiêu đờm. Nếu thường xuyên ăn canh hẹ sẽ giúp nam giới bồi bổ gan thận, lá hẹ cũng rất tốt đối với phụ nữ có thai khi bị nhiễm lạnh, phụ nữ sau sinh bị chóng mặt. Củ hẹ có vị cay ngọt được dùng trong các bài thuốc chữa tiểu tiện nhiều lần.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy rau hẹ có nhiều chất xơ nên có tác dụng kích thích tiêu hóa, thúc đẩy nhu động ruột, phòng chống bệnh táo bón và sâu răng. Chất xơ trong loại rau này còn có khả năng cân bằng các nhóm vi khuẩn đường ruột, giảm thiểu tác động của các chất gây ung thư niêm mạc ruột, dự phòng tích cực bệnh ung thư đại tràng. Ngoài ra, rau hẹ còn có tác dụng hỗ trợ trị liệu tăng huyết áp và các bệnh cơ tim.

Chúng ta cần lưu ý, không nên dùng hẹ vào mùa nóng, đồng thời hẹ cũng rất kỵ mật ong nên tránh dùng cùng lúc 2 thứ này. Ngày nay, các gia đình Việt vẫn ưu tiên lựa chọn các bài thuốc dân gian hơn là chọn sử dụng các thuốc điều chế theo Tây y. Chúng ta sẽ ngày càng trân trọng hơn những giá trị của nền y học dân tộc trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Đánh giá:  
2.5 / 5  (2 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật