Người kinh doanh làm thế nào để vượt qua khó khăn dịch bệnh?

Liên tục các đợt dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cuộc sống của người dân đảo lộn và gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với những người làm kinh doanh, buôn bán thuộc các ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, để không bị thị trường "nhấn chìm", nhiều người bắt buộc phải tìm cách thay đổi, thích nghi với tình hình mới.

Theo nhiều chuyên gia, đợt dịch thứ 4 lần này diễn biến vô cùng phức tạp khi đa biến chủng, đa ổ dịch, đa nguồn lây và diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai,... đã đồng loạt thực hiện nghiêm chỉ thị 16 /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Điều này gây không ít cản trở tới hoạt động không chỉ các doanh nghiệp lớn mà còn có những hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Để tiếp tục duy trì và phát triển, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hay người tiêu dùng đều đang phải thay đổi phương thức kinh doanh và thói quen sinh hoạt.

Tất cả các ngành kinh doanh đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh...

Các hoạt động sử dụng thanh toán tiền mặt đã dần được chuyển sang giao dịch thanh toán online. Từ việc đi chợ hàng ngày đến thanh toán hoá đơn điện, nước, điện thoại... đều được người dân lựa chọn giao dịch qua các kênh ngân hàng điện tử. Không chỉ tiện lợi, tiết kiệm chi phí, việc thanh toán online còn giúp người bán và người mua giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây nhiễm, hạn chế lây lan trong cộng đồng.

Ngành F&B (Food & Beverage) chính là lĩnh vực kinh doanh phải thay đổi nhiều nhất khi đại dịch diễn ra. Theo chia sẻ của nhiều chủ cửa hàng ăn tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM, trước khi có dịch, lợi nhuận trung bình một tháng của họ nằm trong khoảng từ 25 đến 30 triệu đồng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, doanh thu giảm sút nghiêm trọng, nhiều hộ đã phải đóng cửa, thanh lý mặt bằng hoặc cắt giảm nhân viên,… với mục tiêu tiết kiệm tối đa chi phí.

Đồng thời, nhiều cửa hàng ăn uống đã chuyển hướng sang kinh doanh online, hợp tác với ứng dụng giao hàng, các trang thương mại điện tử,… để tiếp cận người tiêu dùng. Việc chuyển hướng kinh doanh cũng khiến họ chịu một số chi phí phát sinh, ví dụ như tiền chuyển khoản cho các đối tác, khách hàng. Điều này đã ảnh hưởng một phần đến doanh thu của họ. Nắm bắt được điều này, rất nhiều ngân hàng đã thể hiện tinh thần chung tay đồng hành vượt dịch cùng khách hàng thông qua một loạt các chương trình, chính sách ưu đãi miễn/giảm phí.

...Thay đổi và thích nghi là vấn đề cấp thiết được đặt ra.

Để có thể tồn tại, phát triển trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay, người kinh doanh nhỏ lẻ hay các doanh nghiệp đều phải lựa chọn cho mình những bí quyết, định hướng và kế hoạch dài hơi để có thể dễ dàng thích nghi với trạng thái "giãn cách xã hội" còn lâu dài này.

Có thể thấy, việc áp dụng công nghệ 4.0 trong kinh doanh mùa dịch đã giúp rất nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ hay các doanh nghiệp đi từ ngưỡng khó khăn đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, với nhu cầu mua sắm online tăng cao như hiện nay thì việc tận dụng công nghệ 4.0 sẽ mang đến rất nhiều lợi ích.

Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn cho mình và cho khách hàng là yếu tố quan trọng luôn cần được đặt lên hàng đầu, như vậy, dù tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, các hộ kinh doanh cũng sẽ có thể duy trì hoạt động và phát triển trong tương lai.

Đánh giá:  
5.0 / 5  (1 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật