TP.HCM hỗ trợ 17 triệu đồng chi phí hậu sự ca tử vong do mắc Covid-19

Trên tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận”, TP.HCM tuyên bố sẽ cố gắng lo chuyện hậu sự đối với người qua đời vì mắc Covid-19 chu đáo nhất, từ chuyện khâm liệm, hỏa táng và các nghi thức tâm linh theo tôn giáo mà người mất theo trước khi chết.

TP.HCM cũng thống nhất chủ trương giao Bộ Tư lệnh TP.HCM và Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện, TP.Thủ Đức phối hợp bàn giao tro cốt đến tận gia đình, đảm bảo trang trọng, ấm cúng.

Những gia đình có điều kiện thì các đơn vị bàn giao luôn, còn gia đình chưa có điều kiện thì tổ chức một nơi lưu giữ tro cốt, thắp hương và trao lại vào thời điểm thích hợp.

Lãnh đạo TP.HCM khẳng định các trường hợp qua đời do Covid-19 đều thực hiện theo đúng quy định. Đối với các trường hợp qua đời khác mà gia đình khó khăn thì thành phố vận động từ nhiều nguồn khác nhau, không để gia đình nào vì khó khăn mà không lo được chuyện hậu sự cho người thân.

TP.HCM sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí  mai táng cho người tử vong do mắc COVID-19.

Về công tác hỏa táng người mất tại TP.HCM hiện tại, thành phố có 4 nơi đang thực hiện gồm Khu Bình Hưng Hòa (Bình Tân), khu Đa Phước (Bình Chánh), khu Phúc An Viên (quận 9), khu Tháp Long Thọ (Củ Chi). 

Thành phố đã làm việc với các đơn vị này đề nghị họ nhận các trường hợp đưa đến hỏa táng, không từ chối bất kỳ trường hợp nào. Đặc biệt không tăng giá làm ảnh hưởng đến người dân trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Trước đó, giám đốc Sở TNMT TP.HCM khẳng định không có chuyện tăng giá hoặc từ chối hỏa táng bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại lò hoả thiêu Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân.

Thời hạn hỏa táng, mai táng với các trường hợp mắc COVID-19 tử vong là bao lâu?

Theo quy định tại Điều 18 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A tử vong thì thi thể phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ.

Riêng với thi hài nhiễm COVID-19, Bộ Y tế hướng dẫn, thi hài nhiễm COVID-19 phải được hỏa táng, chỉ mai táng khi không thực hiện được việc hỏa táng. Đồng thời phải được khâm liệm càng sớm càng tốt và hỏa táng hoặc mai táng trong vòng 24 giờ kể từ khi tử vong.

Quy trình xử lý thi hài được thực hiện ra sao?

Đối với trường hợp tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, thi hài sẽ được xử lý theo Quyết định 5188/QĐ-BYT, ngay sau khi người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19 tử vong để hạn chế lây nhiễm trong quá trình xử lý. Quá trình khâm liệm tuân theo quy trình đặc biệt với bệnh dịch nguy hiểm. Thực hiện khâm liệm càng sớm càng tốt. Việc khâm liệm phải được thực hiện tại nhà tang lễ bệnh viện, hạn chế tối đa số người tham gia khâm liệm. Người trực tiếp tham gia khâm liệm thực hiện phòng hộ cá nhân và rửa sạch tay bằng xà phòng.

Tuyệt đối không để người nhà người bệnh thăm viếng trong suốt thời gian lưu giữ cho tới khi khâm liệm xong. Đặc biệt, hạn chế người vào viếng. Những ai vào viếng phải mang khẩu trang, không đụng chạm vào quan tài và vệ sinh tay bằng dung dịch cồn sau khi viếng. Ngoài ra, phải vận chuyển thi hài thẳng tới nơi hỏa táng hoặc nơi chôn (trong trường hợp tại tỉnh/thành nơi chuyển thi hài tới không có nơi hỏa táng) theo kế hoạch đã thống nhất với Trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương. Chuyển thi hài bằng xe ô tô chuyên dụng thẳng tới nơi hoả táng hoặc nơi chôn. Người nhà người bệnh không được lên xe chuyển thi hài.

Đối với trường hợp tử vong tại cộng đồng, thi hài được xử lý theo quy định tại Quyết định 2233/QĐ-BYT. Ngay sau khi có người tử vong do nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, cần phải gọi điện thông báo chính quyền, cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ xử lý thi hài. Cần phải hạn chế người không có nhiệm vụ vào khu vực có người tử vong do nhiễm COVID-19, trừ nhân viên y tế và người tham gia xử lý thi hài. Quy trình xử lý cũng phải đảm bảo phòng chống lây nhiễm.

Đánh giá:  
5.0 / 5  (1 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật