Giá thép hôm nay tăng
Giá thép ngày 26/8, giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 19 nhân dân tệ lên mức 5.259 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 13h00 (giờ Việt Nam).
Từ giữ tháng 7/2021 đến nay, giá quặng sắt đã giảm khoảng 40% do lo ngại về nhu cầu của các nhà máy luyện thép tại Trung Quốc, đặc biệt là khi đất nước tỷ dân đang sản xuất hơn một nửa sản lượng thép của toàn thế giới.
Bước hụt hơi của quặng sắt đã giáng một đòn đau vào các nước khai thác quặng sắt lớn như Australia và Brazil, khi mà họ đang dốc sức để bảo vệ đà phục hồi của nền kinh tế trước sự bùng phát của biến chủng Delta.
Giá quặng sắt tại Đại Liên tăng, trong khi giá quặng sắt trên sàn Singapore rời khỏi mức cao nhất 1 tuần do triển vọng nguồn cung được cải thiện, gây áp lực đối với giá quặng sắt bởi nhu cầu Trung Quốc suy yếu. Theo đó,
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Đại Liên tăng 1,9% lên 802,5 CNY (123,9 USD)/tấn, trong phiên có lúc đạt 829 CNY/tấn – cao nhất kể từ ngày 18/8/2021.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Singapore giảm 0,4% xuống 147,45 USD/tấn, sau khi tăng 9,1% trong phiên trước đó. Giá than luyện cốc và than cốc trên sàn Đại Liên tăng lên mức cao kỷ lục trong phiên thứ 3 liên tiếp, tăng 3,3% và 3,1% theo thứ tự lần lượt do lo ngại nguồn cung.
Những biến động nêu trên nhấn mạnh tâm lý mong manh khi triển vọng nguồn cung được cải thiện, có thể gây thêm áp lực lên giá cả trên thị trường do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc đang khá yếu ớt.
Những dự báo chỉ ra rằng nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc dự kiến sẽ suy yếu trong trung hạn. Sản lượng thép thô của đất nước tỷ dân sẽ chững lại, trong khi các nhà máy sẽ tăng sử dụng thép phế liệu thay vì quặng sắt.
Các biện pháp hạn chế sản xuất thép liên tục của Trung Quốc bên cạnh những tác động của đại dịch COVID-19 đã đè nặng lên quặng sắt trong những tuần gần đây.
Thép mạ Việt Nam bị yêu cầu điều tra chống bán phá giá tại Mexico
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết ngày 24/8/2021 đã nhận được thông tin về việc Bộ Kinh tế Mexico nhận đơn của ngành sản xuất trong nước yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Việt Nam và chuẩn bị đăng công báo điều tra.
Sản phẩm bị cáo buộc bán phá giá là thép mạ có mã HS 7210.
Theo số liệu sơ bộ từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), trong năm 2020, Mexico nhập khẩu khoảng 220 triệu USD sắt thép các loại từ Việt Nam, tăng khoảng 70% so với năm 2019. Trong đó, các sản phẩm sắt thép không hợp kim cán phẳng, có chiều rộng từ 600mm trở lên, đã phủ, mạ hoặc tráng có mã HS 7210 chiếm gần 80%.
Hiện nay, Việt Nam và Mexico cùng là thành viên của Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nên các sản phẩm thép mạ có mã HS 7210 của Việt Nam đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu sang Mexico. Đây là vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đầu tiên của Mexico đối với Việt Nam.
Cơ quan điều tra Mexico sẽ xem xét việc tiến hành khởi xướng điều tra vụ việc trong vòng tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện đầy đủ.