Thượng tá Trần Phúc Thịnh - Trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Nghệ An) cho biết, số cá thể hổ bắt giữ ở xã Đô Thành được gửi tại Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (huyện Diễn Châu). Tuy nhiên, trong số 17 con hổ bị bắt giữ do nuôi trái phép trong nhà dân, sau thu giữ có 8 con đã chết.
Ông Trần Văn Hải - Phó GĐ Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (huyện Diễn Châu) cho biết, có 14 cá thể trưởng thành được lực lượng Công an tỉnh Nghệ An bắt từ xã Đô Thành (huyện Yên Thành) gửi nuôi tại khu sinh thái 2 ngày trước.
"Hiện đã có 5 con hổ đã chết, nguyên nhân thì có nhiều yếu tố, bởi vì hổ nuôi, trong quá trình bắt giữ, vận chuyển... đến nay vẫn chưa xác định nguyên nhân chính hổ chết" - ông Hải chia sẻ.
Cũng theo ông Hải, 9 hổ còn lại đang được chăm sóc và không có dấu hiệu gì bất thường. Còn 3 con hổ khác chuyển về đơn vị nào thì chúng tôi không nắm được.
Như vậy, theo xác nhận của Thượng tá Trần Phúc Thịnh - Trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường về 8 con hổ đã chết, ngoài 5 con đã chết khi gửi nuôi tại Khu du lịch sinh thái, 3 con hổ được chuyển đi nơi khác cũng đã chết.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, theo thông tin trên, 17 con hổ được “giải cứu” khi đưa về khu sinh thái đã chết 8 con chưa rõ nguyên nhân. Hổ là động vật nguy, cấp, quý hiếm trong nhóm IB và cần được bảo vệ, bảo tồn, do đó, cần phải làm rõ nguyên nhân cái chết của 8 con hổ nêu trên.
“Có thể thấy, khi đưa 17 chú hổ về khu sinh thái, hổ được tiêm thuốc mê, vậy nguyên nhân chết là gì? Rõ ràng trong sự việc này những con hổ này không hề có lỗi, lỗi ở đây là con người. Việc để chết 8 con hổ là điều càn phải xem xét đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong vụ việc này”- luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, Cơ quan điều tra cần xác định nguyên nhân chết của hổ, có hành vi tác động của con người dẫn đến cái chết của hổ hay không? Là do ai thực hiện? Ai chỉ đạo nếu có?
“Đã là động vật hoang dã hoàn cảnh nào cũng phải bảo tồn bảo vệ, đây là một thành phần tong hệ sinh thái tự nhiên nhất cần được bảo vệ. Có thể thấy, những người chủ nuôi hổ tuy rằng có vi phạm quy định nhưng họ vẫn nuôi hổ sống khỏe mạnh, đảm bảo sự sống cho những chú hổ và là nuôi từ bé đến lớn. Rõ ràng, sau khi bàn giao cho cơ quan chức năng thì hậu quả 8 con hổ đã chết, hậu quả này vô cùng lớn, liên quan đến tổ chức và cá nhân đang nhân danh nhà nước bảo vệ động vật hoang giã. Sự việc này bắt buộc phải được làm rõ, nếu có vi phạm cần phả khởi tố, xử lý nghiêm khắc”- luật sư Tùng đề nghị.
Trước đó, lực lượng Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ 17 cá thể hổ nuôi nhốt trái phép trong nhà 2 hộ dân ở xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An). Chuồng nuôi nhốt hổ được làm bằng lồng sắt rất chắc chắn.
Chủ cơ sở thứ nhất là anh Nguyễn Văn Hiền (SN 1982) và chị Hồ Thị Thanh (SN 1990), ở xóm Nam Vực nuôi 14 cá thể hổ đã trưởng thành. Hai người này khai nhận, tự cải tạo chuồng trại với diện tích 80m2, bao bọc sắt thép chắc chắn.
Số hổ này được đưa từ Lào về nuôi từ khi còn nhỏ; đến nay mỗi con có trọng lượng đạt gần 200kg.
Chủ cơ sở thứ hai là bà Nguyễn Thị Định (SN 1971), xóm Phú Xuân, nuôi nhốt 3 cá thể hổ.
Bà Định đã xây dựng hệ thống tầng hầm nuôi hổ với diện tích 120m2. Mỗi cá thể hổ ở đây nặng từ 225kg đến 265kg. Hiện vụ việc đang được lực lượng Công an Nghệ An tiếp tục điều tra, làm rõ.
(Nguồn video: Kênh Thanh niên)