Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 15/9 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 226.560.812 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.660.997 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 463.623 và 8.333 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 203.199.695 người, 18.696.485 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 102.389 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 110.122 ca nhiễm mới; tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ (27.802 ca) và Ấn Độ (27.429 ca). Mỹ cũng đứng đầu về số ca tử vong mới với 1.672 người chết, tăng gần gấp đôi so với ca tử vong ghi nhận trong ngày 13/9 là 843 ca; tiếp theo là Nga (781 ca) và Brazil (659 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 42.248.276 người, trong đó có 682.077 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 33.315.450 ca nhiễm, bao gồm 443.527 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.019.830 ca bệnh và 587.797 ca tử vong.
CDC Mỹ khuyến cáo người dân nên tiếp tục đeo khẩu trang
Hồi tháng 4 vừa qua, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) từng cho phép những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 đi lại tự do trong và ngoài nước mà không cần cách ly hay xét nghiệm, đặc biệt, họ cũng không cần phải đeo khẩu trang khi ra đường như trước.
Tuy nhiên, trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, những quy định về phòng chống dịch bệnh đã được thay đổi. Theo đó, CDC khuyến cáo người dân nên tiếp tục đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân trước dịch bệnh. Nhiều công ty Mỹ như Netflix, Google hay Disney hiện cũng đã áp dụng quy định yêu cầu nhân viên phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước khi quay trở lại làm việc tại văn phòng để đảm bảo an toàn trước đại dịch.
Khi được hỏi về việc có đeo khẩu trang ở nơi làm việc hay không, bà Leana Wen - Nhà phân tích Y khoa của CNN nhận định: "Đây là một câu hỏi thú vị mà CDC chưa nghĩ tới. Hiện tại, CDC đang khuyến cáo người dân đã tiêm đủ vaccine vẫn nên đeo khẩu trang trong không gian kín, có đông người. Họ không nói rằng việc đeo khẩu trang là không cần thiết nếu tất cả mọi người trong văn phòng đều đã tiêm vaccine ngừa COVID-19".
Bà Wen kết luận đây là khoảng thời gian khó khăn đối với tất cả mọi người khi biến thể Delta đã một lần nữa làm thay đổi mọi thứ, đảo ngược những thành tựu phòng dịch trước đó của Mỹ. Qua đó, bà kêu gọi mọi người cần tiếp tục cảnh giác, đánh giá lại nguy cơ lây nhiễm virus của bản thân và gia đình, đồng thời cần ghi nhớ rằng tiêm chủng vẫn là chìa khóa để bảo vệ tốt nhất trước đại dịch.
Italy và Anh triển khai tiêm mũi tăng cường cho một số đối tượng
Italy sẽ triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba từ ngày 20/9 tới, bắt đầu từ những người dễ bị tổn thương nhất, ví dụ như những bệnh nhân ung thư và người được ghép tạng.
Thông tin trên được công bố đêm 13/9 sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza và quan chức phụ trách chiến dịch phòng chống COVID-19 của Italy Francesco Paolo Figliuolo. Đợt thứ ba của chiến dịch tiêm vaccine ở Italy sẽ tập trung vào khoảng 3 triệu người có hệ miễn dịch yếu nhất.
Đến nay, hơn 40 triệu người Italy đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, tương đương với 74% dân số trên 12 tuổi, trong bối cảnh chính phủ gần đạt mục tiêu 80% vào cuối tháng 9.
Doanh thu ngành du lịch Italy trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua đã đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, một phần nhờ việc thực thi quy định thẻ xanh.
Kể từ ngày 6/8, thẻ xanh đã trở thành bắt buộc ở Italy đối với tất cả những người trên 12 tuổi, bao gồm cả khách du lịch quốc tế, để có thể thực hiện nhiều hoạt động trong nhà, và sau đó từ ngày 1/9 để có thể sử dụng các phương tiện giao thông đường dài.
Tại Anh, ngày 14/9, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho biết chính phủ nước này đã chấp thuận khuyến nghị từ giới chức y tế rằng những người dễ bị tổn thương và người trên 50 tuổi cần được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường (liều thứ 3).
Theo giới chức Anh, số liệu mới nhất cho thấy kể từ khi nước này triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, vaccine đã giúp 24 triệu người không bị mắc bệnh và ngăn chặn hơn 112.000 ca tử vong.
Đến nay, Anh đã ghi nhận hơn 7 triệu ca nhiễm, trong đó khoảng 134.000 ca tử vong do COVID-19. Khoảng 44 triệu người tại nước này đã được tiêm đủ 2 liều vaccine, chiếm 81% tổng số người từ 16 tuổi trở lên. Ngày 13/9, Chính phủ Anh cho biết trẻ em ở độ tuổi từ 12-15 cũng sẽ được tiêm chủng.
Những người được tiêm chủng đầy đủ chỉ chiếm 1,2% tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở Anh trong bảy tháng đầu năm nay. Số liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) công bố cho thấy từ ngày 2/1 đến ngày 2/7, Anh ghi nhận tổng cộng 51.281 ca tử vong vì COVID-19. Trong số đó, 38.964 ca là những người chưa được tiêm chủng, còn 640 ca (chiếm 1,2%) là những người đã tiêm đủ hai mũi (bao gồm cả những người nhiễm virus trước khi hoàn tất quá trình tiêm chủng).
Australia đẩy mạnh biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đối với thủ đô Canberra
Ngày 14/9, giới chức Australia tuyên bố gia hạn lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh đối với thủ đô Canberra cho đến giữa tháng 10 tới, đồng thời nhấn mạnh đây là biện pháp cần thiết trong khi chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được đẩy mạnh.
Thống đốc Vùng lãnh thổ thủ đô (ACT) của Australia, ông Andrew Barr nêu rõ nhà chức trách mong muốn hạn chế số ca lây nhiễm trong khi đảm bảo rằng thủ đô Canberra có tỷ lệ người dân được tiêm phòng ở mức cao. "Đây là hướng đi an toàn nhất và sẽ dẫn tới một Giáng sinh an lành hơn, một kỳ nghỉ Hè an toàn hơn và một năm 2022 bình an hơn”.
Trong khi đó, số ca mắc mới COVID-19 tại thành phố Sydney, thủ phủ của bang New South Wales (NSW) đang tăng ở mức thấp nhất trong gần hai tuần trở lại đây. Theo số liệu của cơ quan y tế địa phương, NSW ngày 14/9 ghi nhận 1.127 ca mắc mới trong cộng đồng và 2 ca tử vong vì COVID-19. Số ca mắc mới đã giảm so với mức 1.257 ca ghi nhận ngày 13/9 và đa phần trong số này là các ca bệnh ở thành phố thủ phủ Sydney.
Gần 50% trong 25 triệu dân tại Australia đang phải tuân thủ lệnh phong tỏa khi quốc gia châu Đại Dương này đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ ba chủ yếu do biến thể Delta có khả năng lây lan cao. Tuy nhiên, cho đến nay, số ca mắc COVID-19 tại đây vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia, với khoảng 77.000 ca, trong đó có 1.102 ca tử vong.
Ổ dịch mới lây lan nhanh đe dọa chiến lược “không Covid-19” ở Trung Quốc
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc đã ghi nhận gần 150 ca nhiễm trong 4 ngày, kể từ khi phát hiện đợt lây nhiễm mới nhất do biến thể Delta ở tỉnh Phúc Kiến, phía đông Trung Quốc.
Riêng ngày 14.9, Trung Quốc ghi nhận thêm 94 ca nhiễm trong cộng đồng. Trong tổng số gần 150 ca nhiễm, 30 là trẻ em dưới 10 tuổi.
Ổ dịch ghi nhận tại thành phố Phủ Điền, đến nay lây lan sang hai thành phố lân cận là Tuyền Châu và Hạ Môn. Giới chức thành phố Phủ Điền và Hạ Môn ngày 14.9 thông báo mở đợt xét nghiệm Covid-19 trên toàn thành phố.
Người dân được khuyến cáo không ra khỏi nhà nếu không cần thiết. Các nhân viên an ninh sẽ liên tục tuần tra 24/24.
Trung Quốc đã thành công trong chiến lược “không Covid-19” cho đến nay và đây vẫn là chiến lược phù hợp nhất, lần này “chắc chắn” vẫn sẽ hiệu quả, hai chuyên gia giấu tên đến từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), nói trên tờ Hoàn Cầu.
Malaysia cho phép một số lĩnh vực kinh doanh được phép hoạt động trở lại
Ngày 14/9, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết chính phủ không còn coi việc phong tỏa là một biện pháp thích hợp để kiềm chế sự gia tăng của dịch bệnh COVID-19, đồng thời cho rằng những hành động như vậy có thể dẫn đến những hệ lụy khác. Do vậy, chính phủ đã quyết định mở cửa trở lại một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế. Theo đó, Giai đoạn 1 của Kế hoạch Phục hồi Quốc gia (NRP) gồm 4 giai đoạn, sẽ có 11 lĩnh vực kinh doanh ở các bang được mở cửa trở lại
Các lĩnh vực kinh doanh được đề cập là dịch vụ rửa xe ô tô; siêu thị điện máy; cửa hàng đồ gia dụng và đồ dùng nhà bếp; cửa hàng nội thất; cửa hàng dụng cụ thể thao; cửa hàng phụ kiện xe hơi; trung tâm phân phối và bán xe ô tô; chợ sáng và chợ nông sản; cửa hàng quần áo, thời trang và phụ kiện; cửa hàng trang sức cũng như tiệm cắt tóc và trung tâm làm đẹp.
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội cùng ngày, Thủ tướng Ismail cho biết chính phủ lo ngại rằng việc phong tỏa kéo dài có thể tác động tiêu cực đến người dân, đặc biệt là về vấn đề sức khỏe tâm thần.
Ông nhấn mạnh việc mở cửa trở lại một số lĩnh vực kinh tế không chỉ giúp phục hồi nền kinh tế, mà còn cung cấp không gian và cơ hội để người dân cải thiện cuộc sống của họ. Ông cho biết quyết định được đưa ra sau khi Bộ Y tế đã đánh giá rủi ro và cân nhắc về tỷ lệ tiêm chủng.
Đến thời điểm hiện tại, 74,7% dân số trưởng thành của Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Philippines có công thức mới trong cuộc chiến phòng dịch
Dự kiến, thủ đô Manila sẽ ngưng các hạn chế vì dịch Covid-19 diện rộng từ ngày 16/9 tới trong khi Chính phủ Philippines tiến hành thử nghiệm thí điểm về giãn cách xã hội theo khoanh vùng tại thủ đô.
Việc giãn cách xã hội theo khoanh vùng sẽ đi kèm với 5 mức cảnh báo để xác định phạm vi được phép vận hành của các đơn vị kinh doanh. Việc này nhắm đến các tòa nhà, đường phố hoặc khu dân cư nhất định thay vì bao phủ toàn thành phố như hiện nay.
Nếu thành công, “công thức” tương tự có thể được áp dụng trên khắp Philippines. Thay đổi trong chiến thuật Covid-19 của Chính phủ Philippines cũng có thể sớm tạo điều kiện cho các trường học mở lớp trực tiếp có giới hạn và những cơ sở giải trí trong nhà hoạt động trở lại ở khu vực có tỷ lệ lây lan thấp cùng năng lực y tế tương xứng.
Manila với 13 triệu người là điểm nóng dịch của Philippines. Chỉ tính riêng trong 30 ngày qua, tổng số ca mắc mới Covid-19 của Manila đã chiếm tới hơn 1/5 số ca của toàn quốc là 2,2 triệu trường hợp.