Công thức vịt nấu măng dễ làm ngon như ngoài hàng

Vịt nấu măng là món ăn lý tưởng cho những ngày se lạnh, khi cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Sự hòa quyện giữa thịt vịt mềm ngọt và vị chua thanh của măng tạo nên hương vị đậm đà, khó lòng chối từ. Đặc biệt, ăn kèm với bún lại càng dậy vị, khiến bữa ăn thêm trọn vẹn. Cùng Food News khám phá ngay công thức nấu vịt nấu măng siêu đơn giản nhưng ngon chuẩn vị trong bài viết dưới đây nhé!

CHUẨN BỊ ĐẦY ĐỦ NGUYÊN LIỆU LÀM MÓN VỊT NẤU MĂNG

Để nấu được món này bạn cần chuẩn bị một số nguyên liệu bên dưới đây như:

  • 1/2 con vịt

  • 500g bún tươi

  • 400g măng tươi

  • 2 củ gừng

  • 1 ít húng quế, hành lá và ngò rí

  • 1 củ hành tây, hành tím 2 củ

  • 1 muỗng hành phi

  • 3 muỗng dầu ăn, gia vị thông dụng.

Ảnh 1: Nguyên liệu chính để chế biến vịt nấu măng

Ảnh 1: Nguyên liệu chính để chế biến vịt nấu măng

CÁC BƯỚC CHẾ BIẾN VỊT NẤU MĂNG CHI TIẾT

Để món vịt nấu măng tròn vị và không bị hôi, bạn hãy thực hiện theo các bước sơ chế dưới đây:

SƠ CHẾ VỊT

Sau khi mua về, hãy kiểm tra và làm sạch lại vịt một lần nữa, nhặt bỏ lông tơ còn sót. Dùng dao chặt vịt thành miếng vừa ăn.
Để khử mùi hôi đặc trưng của thịt vịt, bạn có thể áp dụng một trong những cách đơn giản sau:

  • Cách 1: Dùng rượu trắng và gừng đập dập, chà xát lên toàn bộ phần thịt vịt. Để yên khoảng 5 phút rồi rửa sạch lại dưới vòi nước.

  • Cách 2: Trộn muối, giấm và nước cốt chanh, chà kỹ lên mình vịt, sau đó rửa lại bằng nước lạnh.

  • Cách 3 (truyền thống): Giã nát gừng, lấy nước cốt xát trực tiếp lên thịt vịt rồi rửa sạch và để ráo.

Các mẹo khử mùi này không chỉ giúp loại bỏ mùi hôi khó chịu mà còn giúp thịt vịt thơm ngon, đậm đà hơn khi nấu cùng măng.

Ảnh 2: Rửa sạch thịt vịt và chặt nhỏ thành từng miếng vừa ăn

Ảnh 2: Rửa sạch thịt vịt và chặt nhỏ thành từng miếng vừa ăn

ƯỚP THỊT VỊT

Sau khi đã sơ chế sạch, bạn cho thịt vịt vào tô lớn rồi tiến hành ướp với các gia vị sau:

  • 2 muỗng hạt nêm

  • ½ muỗng muối

  • ½ muỗng bột ngọt

Dùng tay hoặc đũa đảo đều để gia vị thấm đều vào từng miếng thịt. Để yên ướp khoảng 10 phút cho thịt ngấm vị, khi nấu sẽ đậm đà và thơm ngon hơn.

Ảnh 3: Ướp thịt vịt với gia vị trong khoảng 10 phút

Ảnh 3: Ướp thịt vịt với gia vị trong khoảng 10 phút

SƠ CHẾ MĂNG

Măng tươi sau khi mua về, bạn rửa sạch dưới vòi nước, lột bỏ lớp vỏ già bên ngoài để tránh bị dai khi ăn. Nên ưu tiên chọn phần măng non vì sẽ mềm, dễ ngấm gia vị và khi nấu sẽ ngon hơn. Sau đó, cắt măng thành từng khúc vừa ăn, dài khoảng bằng một ngón tay.

Để loại bỏ độc tố tự nhiên có trong măng, bạn hãy ngâm măng trong nước muối pha loãng khoảng 10 phút. Kế đến, đun sôi khoảng 1 lít nước, cho măng vào luộc sơ 5–7 phút, sau đó vớt ra, rửa lại bằng nước sạch và để ráo.

Ảnh 4: Măng rửa sạch và ngâm nước muối để bỏ bớt độc tố

Ảnh 4: Măng rửa sạch và ngâm nước muối để bỏ bớt độc tố

SƠ CHẾ RAU

Nhặt sạch hành lá, rau húng quế và ngò rí, loại bỏ phần gốc, lá già và úa vàng. Sau đó, rửa kỹ dưới vòi nước sạch, để ráo rồi thái nhỏ.

Hành tím bóc vỏ, đập dập rồi băm nhuyễn, chuẩn bị sẵn để phi thơm trong quá trình nấu.

Ảnh 5: Sơ chế và chuẩn bị sẵn một số nguyên liệu làm vịt nấu măng

Ảnh 5: Sơ chế và chuẩn bị sẵn một số nguyên liệu làm vịt nấu măng

XÀO THỊT VỊT NẤU MĂNG

Bắc chảo lên bếp, đun nóng khoảng 3 muỗng canh dầu ăn. Khi dầu sôi, cho phần thịt vịt đã chặt vào và đảo đều tay trên lửa vừa. Xào khoảng 7 phút đến khi thịt săn lại, phần da hơi xém vàng là đạt.

Xào sơ qua thịt vịt trên bếp đến khi thịt săn lại

Ảnh 6: Xào sơ qua thịt vịt trên bếp đến khi thịt săn lại

NẤU THỊT VỊT CÙNG VỚI MĂNG

Chuẩn bị một nồi nước khoảng 1 lít, đun sôi trên lửa lớn. Khi nước sôi, thả vài lát hành tím vào để nước dùng được trong và giúp át mùi hôi còn sót lại của vịt.

Tiếp theo, cho phần thịt vịt đã xào săn vào nồi. Lưu ý: không sử dụng phần mỡ thừa còn lại trong chảo để tránh làm nước dùng bị ngấy. Cho măng đã sơ chế vào nồi cùng thịt, khuấy nhẹ tay và đun tiếp khoảng 10 phút.

Lúc này, bạn nêm nếm gia vị gồm: ½ muỗng cà phê muối, 1 muỗng đường, ½ muỗng bột ngọt và 1 muỗng hạt nêm. Nêm lại cho vừa khẩu vị rồi tiếp tục nấu thêm 7 phút để thịt mềm và măng thấm vị.

Khi thịt đã chín mềm, măng hòa quyện vào nước dùng, bạn rắc hành lá, ngò rí và một ít hành phi lên trên để món ăn thêm thơm lừng và bắt mắt.

Cuối cùng, múc nước dùng vào tô bún đã chuẩn bị sẵn, thêm măng và thịt vịt lên trên. Rắc thêm chút rau thơm, vậy là bạn đã có một tô bún vịt nấu măng đậm đà, nóng hổi, sẵn sàng thưởng thức rồi đấy!

Nấu thịt vịt và măng trên bếp để ngấm đều gia vị

Ảnh 7: Nấu thịt vịt và măng trên bếp để ngấm đều gia vị

THÀNH PHẨM

Sau khi hoàn thiện, món vịt nấu măng sẽ có phần nước dùng trong veo, ngọt thanh tự nhiên mà không bị đục hay ngấy. Hương thơm đặc trưng lan tỏa từ gừng, hành, cùng vịt ninh kỹ giúp át hoàn toàn mùi hôi thường thấy của thịt vịt.

Thịt vịt mềm vừa tới, không bị dai, lớp mỡ mỏng béo nhẹ nhưng không ngấy. Măng chín mềm, không bị xơ hay đắng, thấm đều gia vị. Khi ăn kèm cùng bún tươi, rau sống và một chén nước mắm chua cay, món ăn trở nên tròn vị và khó cưỡng – đủ sức chinh phục mọi khẩu vị trong gia đình bạn.

Vịt nấu măng có thể ăn kèm với bún vào ngày lạnh trời

Ảnh 8: Vịt nấu măng có thể ăn kèm với bún vào ngày lạnh trời

HƯỚNG DẪN CHỌN MUA NGUYÊN LIỆU VỊT NẤU MĂNG

Để có món vịt nấu măng thơm ngon, tròn vị, việc chọn nguyên liệu tươi sạch là yếu tố quan trọng đầu tiên. Dưới đây là những mẹo chọn măng đơn giản nhưng cực kỳ hữu ích:

CÁCH MUA MĂNG

  • Đối với măng còn nguyên bẹ: Ưu tiên chọn những búp măng to, tròn đều, lớp bẹ ngoài có màu sẫm, hơi đen và nhiều lông cứng. Đây là dấu hiệu cho thấy măng non, khi nấu sẽ thơm, giòn và đậm vị hơn.

  • Với măng đã bóc bẹ: Hãy chọn củ măng có màu trắng tự nhiên, bề mặt hơi thô, các đốt măng đều nhau. Khi sờ tay vào thấy chắc, không bị mềm nhũn là măng còn tươi.

  • Dấu hiệu nhận biết măng kém chất lượng: Tránh mua măng có màu vàng đậm bất thường hoặc chuyển sang màu nâu. Nếu măng có mùi chua nồng gắt, khi sờ thấy nhão, mềm hoặc nhớt tay thì tuyệt đối không nên sử dụng vì có thể chứa hóa chất bảo quản, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nên mua măng tươi, có lớp vỏ bên ngoài mỏng

Ảnh 9: Nên mua măng tươi, có lớp vỏ bên ngoài mỏng

CÁCH CHỌN MUA THỊT VỊT

Chất lượng thịt vịt quyết định rất lớn đến hương vị món ăn, vì thế việc lựa chọn vịt tươi ngon là điều bạn không nên bỏ qua.

  • Nên chọn vịt xiêm: Đây là loại vịt được nhiều đầu bếp ưu tiên bởi thịt mềm, ngọt tự nhiên, không quá béo và khi nấu cho hương vị đậm đà, hấp dẫn hơn hẳn so với các loại vịt khác.

  • Nếu mua vịt sống: Hãy chọn những con có lớp lông mượt, bóng khỏe, dấu hiệu của vịt nuôi đủ tháng. Phần ức vịt thường tròn đều, da bụng và da cổ dày, săn chắc.

  • Nếu mua vịt đã làm sẵn: Ưu tiên chọn thịt vịt vừa mới mổ, có màu vàng tươi tự nhiên, khi chạm tay vào da thịt còn giữ được độ đàn hồi tốt, không bị nhão hay mềm.

  • Tránh chọn vịt kém chất lượng: Không nên mua vịt có màu da tối, loang lổ vết bầm hay bị dập. Thịt không đàn hồi, có mùi hôi hoặc khó chịu là dấu hiệu vịt không tươi, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chọn mua vịt xiêm sẽ ngon hơn các loại vịt khác

Ảnh 10: Chọn mua vịt xiêm sẽ ngon hơn các loại vịt khác

KẾT LUẬN

Trên đây là công thức vịt nấu măng đơn giản mà Food News dành tặng bạn đọc yêu ẩm thực. Hy vọng với hướng dẫn này, bạn sẽ dễ dàng chế biến được món ăn thơm ngon, ấm áp cho những ngày se lạnh. Đừng quên thường xuyên ghé thăm trang web của chúng tôi để khám phá thêm nhiều bí quyết nấu nướng hấp dẫn khác nhé!

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật