Thông thường giai đoạn ăn dặm diễn ra từ 6 - 36 tháng tuổi, việc lựa chọn thực phẩm an toàn cho bé ăn dặm là cực kỳ quan trọng, mẹ cần ưu tiên cung cấp các thực phẩm mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng
Cách lựa chọn những món ăn dặm cho bé
Nhóm đạm - protein
Thịt lợn, bò: Chọn phần mông trên, mông dưới hoặc thăn ngoại trên, thăn ngoại dưới vì đây là phần nhiều sắt, chất đạm, ít chất béo và dễ tiêu hóa cho trẻ. Thịt tươi hồng, ấn vào có độ đàn hồi nhất định và không bở. Nên luộc hoặc hấp khi chế biến cho bé
Thịt gà: Chọn gà mái tơ hoặc đẻ 1 lứa vì thịt mềm và nhiều dinh dưỡng. Gà trong siêu thị hoặc làm sẵn thì chọn phần ức gà và đùi gà vì phần thịt này nhiều kẽm, protein, cực ít chất béo (không lo trẻ bị béo phì, khó tiêu). Thịt tươi hồng, ấn vào có độ đàn hồi nhất định và không bở. Nên chế biến bằng cách: luộc, hấp, áp chảo
Tôm: Tôm ngon thân phải săn chắc, vỏ còn cứng, màu trắng trong chứ không đục hay ngả sang đỏ, vàng. Phần đầu dính chặt vào thân, các càng vẫn còn nguyên, không có mùi tanh, ươn. Nếu gia đình có người dị ứng với tôm thì không nên cho bé ăn vội, chờ bé lớn hơn rồi tập, thử cho bé ăn tôm.
Cua biển:
-
Cua phải còn sống. Khi lấy tay ấn vào yếm cua, nếu cứng là cua có nhiều thịt.
-
Lớp vỏ ngoài có màu xám đục, yếm to.
-
Yếm vẫn còn bám chắc vào thân, chân và càng cử động khỏe mạnh, gai trên càng và mai cua vẫn còn nguyên màu sắc.
-
Ấn mạnh vào càng bơi của cua thấy chắc, cứng.
-
Gõ nhẹ, có cảm giác chắc tay.
-
Lấy tay kẹp chặt phần dưới bụng cua, nếu chân, càng cua duỗi thẳng, không bị chúi xuống là cua khỏe mạnh, ăn ngon.
-
Tuyệt đối không nên mua những con cua có càng mọng nước, que càng và mai trông hơi xanh, ấn tay vào yếm thấy mềm, chân bới không chắc là những con cua xốp, ít thịt, không ngon đâu nhé.
Ghẹ:
-
Nên chọn ghẹ có kích thước vừa phải sẽ ngon và nhiều thịt hơn ghẹ to và ghẹ quá nhỏ;
-
Chọn ghẹ có yếm màu đỏ, chân ghẹ co lại, không duỗi, khi dùng tay bấm vào yếm không bị lún là còn tươi;
-
Không nên mua cua, ghẹ vào những ngày trăng tròn vì sẽ bị ốp (thịt nhão, mềm) không ngon
Cá:
-
Mắt cá: Cá tươi mắt sẽ lồi và trong suốt, giác mạc đàn hồi. Còn mắt cá ươn thì lõm vào trong hốc mắt, có màu đục và giác mạc mắt nhăn nheo hoặc rách nát.
-
Hậu môn: Cá tươi có hậu môn (trôn) thụt sâu vào bên trong, có màu trắng nhạt và bụng cá lép. Còn cá ươn thì hậu môn màu hồng hay đỏ bầm, lòi ra ngoài, bụng cá phình to.
-
Mang cá: Cá tươi có màu đỏ hồng, dính chặt với hoa khế, không nhớt, không có mùi hôi. Mang cá ươn màu xám, không dính chặt với hoa khế, có nhớt, có mùi hôi.
-
Vảy cá: Cá tươi có vảy óng ánh, bám chặt với thân cá, không có niêm dịch, không có mùi hôi. Còn vây cá ươn thì mờ, không sáng óng ánh, dễ tróc khỏi thân cá, có mùi.
-
Ngoài ra, miệng cá tươi ngậm kín, còn cá ươn, ôi thì miệng hé mở. Thịt cá tươi rắn chắc, đàn hồi, không để lại vết ấn của ngón tay vào thịt cá. Còn cá ươn thì ngược lại.
Lươn: Khi mua lươn bạn hãy chọn những con có độ lớn vừa phải, có 2 màu rõ rệt: bụng vàng, lưng đen thì thịt sẽ chắc và thơm ngon vì đó là lươn từ ao hồ, kênh rạch bắt lên. Những con có khối lượng lớn, mình đen thường là lươn nuôi nên thịt sẽ nhão và không thơm.
Ếch: Ếch đồng: Ngay chỗ bụng có thắt lưng (hay gọi là có eo thắt) nhìn săn chắc như vận động viên cử tạ. Da ếch có bông đốm màu đen, và săn chắc. Nếu ếch ở vùng đất sét thì có da màu vàng, còn ở vùng đất đen thì có màu đen. Ếch nuôi hay gọi là ếch nhà: Bụng phình to, da xám xịt.
Sườn: Chọn sườn tươi, có màu hồng nhạt, không có mùi ôi thiu, thịt sườn ấn vào thấy còn đàn hồi, mặt khô là sườn vẫn còn tươi. Khi chọn sườn, các bạn nên chọn sườn có xương dẹt và nhỏ. Sườn này thì xương sẽ ít, thịt sẽ nhiều hơn sườn có xương to, tròn.
Ngao: Bạn nên chọn những con có vỏ cứng, ngậm chặt miệng, cầm nặng tay. Nếu ngao nhẹ tênh, dùng tay tách ra dễ dàng là ngao đã chết. Đối với những con ngao há miệng, nếu bạn chạm tay vào mà chúng ngậm miệng lại thì chứng tỏ nó còn sống và là ngao ngon.
Trai: Khi mua trai, các mẹ nên chú ý liệu chúng có còn sống hay không? Cách tốt nhất để kiểm tra là trạm ngón tay vào vỏ chúng, nếu trai còn sống, chắc chắn vỏ sẽ từ từ khép lại. Bên cạnh đó, cũng nên chú ý đến mùi của trai. Trai tươi ngon thì thường không có mùi quá nồng nặc, hoặc quá tanh, nếu là trai biển thường có mùi nước biển nhiều hơn. Không nên chọn các con có vỏ bị sứt sát, vỡ, dập, nát, bởi vì những con như vậy dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn thủy hải sản không tốt cho sức khỏe.
Đậu phụ: Nên tự làm hoặc mua ở những địa chỉ có nguồn gốc rõ ràng, xuất sứ đảm bảo tốt cho sức khỏe. Đậu phụ có thể rán hoặc sốt cà chua.
2. Nhóm tinh bột - ngũ cốc
Khi trẻ bắt đầu tập nuốt:
Bánh mỳ Việt Nam: Bẻ bánh thành 1/3 hoặc 2/3, nếu sử dụng bánh mì chuột có thể cho bé ăn cả cái
Bánh mỳ Pháp: nên cho bé ăn khi còn giòn, nếu bánh bị ỉu nên cho bánh vào lò nướng hoặc áp chảo để bánh giòn.
Bánh mì gối: Nướng lại bằng lò nướng hoặc chảo chống dính khi cho bé dùng
Khi trẻ biết nuốt hoặc ăn tốt hơn:
Mì ống, nui, mì udon: luộc rồi cắt làm đôi hoặc để nguyên sợi mì
Bánh pancake: Làm cho bé đa dạng các loại bánh khác nhau từ bột mì hữu cơ, bột yến mạch, đối với trẻ dưới 1 tuổi chỉ nên sử dụng lòng đỏ trứng gà.
Giai đoạn cuối chuẩn bị tập bốc nhón:
Bắt đầu cho bé làm quen với bánh bao chay, cơm nắm
3. Cách chọn mua rau củ, hoa quả an toàn cho bé ăn dặm
Mua rau củ, hoa quả theo đúng mùa để giảm nguy cơ hoa quả rau củ bị phun chất kích thích, chất bảo quản. Rau củ vào buổi sáng hoặc lúc vừa thu hái là lý tưởng nhất. Chọn rau củ lành lặn, không bị dập nát, xước xát, không bị thâm ở cuống. Rau ở các miền quê trồng thường tưới phân tươi nên cần cẩn thận khi cho bé ăn.
Thận trọng với các loại rau dễ bị sâu khiến người nuôi trồng thường phun rất nhiều thuốc: đậu đũa, đậu cove, cà chua, bắp cải, súp lơ, xà lách, các loại rau cải. Cảnh giác với các thứ rau củ màu sắc khác lạ hoặc trông quá phổng phao, quá đẹp mắt so với bình thường. Các thứ rau củ phải gọt vỏ như bầu, bí, mướp thường an toàn hơn
Đối với các loại rau củ:
Cách chế biến: nên hấp hoặc luộc
Cách cắt: cắt rau củ dài bằng đốt ngón trỏ hoặc ngón giữa, độ lớn ít nhất bằng 2 ngón tay chụm lại. Nên sử dụng dao răng cưa để cắt như vậy bé sẽ dễ cầm hơn. Điều chỉnh lại kích thước sau vài lần tập ăn để phù hơp với bé nhà mình.
Các loại rau củ cho giai đoạn tập kỹ năng ăn dặm BLW: măng tây, bí đỏ, ngô bao tử, súp lơ, ớt chuông, cà rốt, su su, bí ngòi,...
Đối với các loại trái cây:
Cách chế biến: Rửa kĩ, trần sơ hoặc hấp sơ trước khi cho bé.
Cách cắt: tương tự cách cắt rau, củ
Các loại trái cây nên giới thiệu cho bé: chuối, táo, lê, bơ, cam, xoài, thanh long,...
Vào khoảng 7-9 tháng tuổi, nhiều bé có thể ăn 3 bữa nhỏ mỗi ngày. Bạn nên cố gắng lựa chọn những món ăn dặm phù hợp để bé hấp thụ đầy đủ protein, carbohydrate và chất béo.
Vào khoảng 9-11 tháng tuổi, nhiều em bé có thể ăn những món được cắt thành từng miếng nhỏ. Bạn cũng có thể cho bé ăn bốc những món cứng hơn, chẳng hạn như táo, cà rốt, bánh quy giòn và bánh mì. Ở độ tuổi này, hầu hết các bé có thể ăn 3 bữa ăn hàng ngày, trong đó có một món tráng miệng, chẳng hạn như sữa chua hoặc hoặc trái cây.
Khi 1 tuổi, hầu hết các bé đều có thể cùng ăn thức ăn với các thành viên trong gia đình vào bữa cơm. Ở giai đoạn này, nhiều bé có thể ăn 3 bữa nhỏ cộng với 2-3 bữa ăn nhẹ hàng ngày.
Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng mỗi em bé sẽ khác nhau. Bé nhà bạn có thể ăn nhiều hơn hoặc ít hơn tùy thuộc vào nhu cầu của trẻ.
Các thực phẩm bố mẹ cần tránh cho bé ăn dặm
Mặc dù những món ăn dặm cho bé nên có sự đa dạng, vẫn có một số loại thực phẩm mà bố mẹ cần tránh cho trẻ ăn, bao gồm:
♦ Mật ong: Không bao giờ cho trẻ dưới 12 tháng tuổi ăn mật ong do nó có thể mang lại nguy cơ ngộ độc botulism, một dạng ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng ở người.
♦ Trứng chưa nấu chín: Trứng tái có thể chứa vi khuẩn salmonella, có thể làm trẻ mắc phải các bệnh đường ruột.
♦ Các sản phẩm sữa chưa được thanh trùng: Việc thanh trùng giúp giết chết các vi khuẩn gây nhiễm trùng có trong sữa. Do đó, sản phẩm từ sữa thanh trùng hoặc tiệt trùng mới là lựa chọn phù hợp cho trẻ nhỏ.
♦ Thực phẩm hoặc đồ uống có đường, muối hoặc thực phẩm chế biến sẵn: Chúng thường cung cấp rất ít chất dinh dưỡng. Thêm vào đó, đường có thể làm hỏng men răng của trẻ. Thận của trẻ nhỏ không thể chịu được quá nhiều muối, do đó bạn nên tránh thêm muối, bột nêm vào các món ăn của bé.
♦ Các loại hạt còn nguyên hạt: Không nên cho trẻ dưới 5 tuổi ăn nguyên hạt vì nguy cơ gây nghẹn cao.
♦ Trái cây nhỏ như chôm chôm, nhãn…
♦ Các sản phẩm ít chất béo: Lượng chất béo mà trẻ cần trong chế độ ăn uống sẽ tương đối nhiều hơn so với người lớn.
5 mẹo giúp việc ăn dặm trở nên dễ dàng hơn cho cả nhà
Công cuộc ăn dặm sẽ không còn nước mắt của bé hay sự mệt mỏi của bố mẹ nhờ 5 mẹo nhỏ sau:
1. Trẻ thường yêu thích vị ngọt hơn. Do đó, bạn nên cố gắng tập cho bé thích ăn rau trước khi ăn trái cây để hạn chế khả năng bé không thích ăn rau trong tương lai.
2. Cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm, tránh cho bé ăn cùng một loại thực phẩm nhiều lần. Nếu bé không thích một số loại thực phẩm nhất định, bạn hãy thử kết hợp chúng với món ăn mà bé thích cho đến khi trẻ làm quen được.
3. Đừng ép bé ăn nhiều hơn nhu cầu, trẻ thường dừng ăn khi chúng đã no bụng.
4. Tạo không khí thư giãn cho bữa ăn và đừng quá đặt nặng việc trẻ sẽ khiến phòng ăn trở thành “bãi chiến trường”. Điều này sẽ khuyến khích các bé trải nghiệm các món ăn mới nhiều hơn và tạo nên mối liên hệ tích cực với việc ăn uống.
5. Cố gắng cho bé ăn cùng với gia đình. Trẻ có xu hướng dễ thích ăn những thực phẩm mà chúng thấy những người xung quanh ăn.
Một số điều bố mẹ cần lưu ý trong giai đoạn bé ăn dặm
Ăn dặm gần như là thời điểm lần đầu tiên trong đời bé được tiếp xúc những thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Do đó, bố mẹ cần lưu ý một số điều để bé được ăn dặm an toàn và hiệu quả.
Bé bị ứng thực phẩm
Mỗi con người có các đặc điểm khác nhau, do đó khả năng bé bị dị ứng với một số loại thực phẩm là rất có thể xảy ra. Nguy cơ sẽ cao hơn nhiều nếu gia đình có tiền sử bị dị ứng thực phẩm, viêm mũi dị ứng, hen hoặc bệnh chàm (eczema).
Dị ứng thực phẩm là phản ứng gây ra bởi hệ miễn dịch của cơ thể đối với thức ăn. Trẻ em có hệ miễn dịch và đường ruột chưa hoàn thiện, do đó nếu trẻ tiếp xúc với những thức ăn có tính dị nguyên cao thì sẽ dễ dàng bị dị ứng.
Dị ứng thức ăn thường gây nên các dấu hiệu như: ban đỏ, viêm da, mề đay, phù nề ở da hoặc phù niêm mạc miệng; buồn nôn, đau bụng và rối loạn tiêu hóa; ngứa, chảy nước mắt, mũi… Trong một số trường hợp, dị ứng thức ăn có thể gây tử vong.
Các thức ăn thường gây dị ứng là: đậu phộng (lạc), hạt hạnh nhân, hải sản, trứng, sữa… Dị ứng sữa là trường hợp thường gặp nhất. Ngoài ra, các loại trái cây cũng có thể gây dị ứng, điển hình như: việt quất, bí đỏ, cà chua, khoai tây, mù tạt… Các chất phụ gia dùng trong thức ăn như benzoat, salicylate, bột ngọt… cũng có nguy cơ gây dị ứng.
Để phòng ngừa dị ứng hoặc chữa dị ứng thực phẩm, bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa và có thể thực hiện một số xét nghiệm để xác định chắc chắn nguyên nhân gây dị ứng. Nếu bé bị kích ứng với thức ăn và xác định được nguyên nhân, bố mẹ phải thay đổi thói quen ăn uống của trẻ, loại trừ những thực phẩm gây dị ứng ra khỏi chế độ ăn và cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thức ăn cho trẻ.
Bé bị nghẹn và nghẹt thở khi ăn
Bị nghẹn có thể là một mối bận tâm đáng kể khi trẻ bắt đầu được cho ăn thức ăn đặc. Tuy nhiên, bị nghẹn là một phần hoàn toàn bình thường của việc học ăn. Nó hoạt động như một phản xạ an toàn để ngăn trẻ bị nghẹt thở.
Dấu hiệu trẻ bị nghẹn khi ăn chính là trẻ mở miệng và đẩy lưỡi về phía trước, khò khè hoặc ho, đỏ mặt. Điều quan trọng là bạn không nên quá hoảng loạn hoặc lo lắng khi bé bị nghẹn.
Tuy nhiên, nghẹt thở lại nghiêm trọng hơn nhiều. Nó xảy ra khi thức ăn chặn đường thở, có nghĩa là bé không thể thở đúng. Các dấu hiệu bao gồm: da bé dần chuyển sang màu xanh, không nói hay khóc được. Trẻ cũng có thể bắt đầu ho hay gặp trường hợp nghiêm trọng nhất: mất ý thức.
Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích để giảm nguy cơ trẻ bị nghẹt thở khi ăn:
♦ Cho bé ngồi thẳng lưng, không cười đùa trong khi ăn.
♦ Không bao giờ được lơ là bé trong khi bé ăn.
♦ Tránh các thực phẩm có nguy cơ gây nghẹt thở cao, chẳng hạn như các loại hạt, quả có kích thước nhỏ, bỏng ngô, thịt và cá có xương.
♦ Không ép bé ăn quá nhiều thức ăn cùng một lúc.
Nếu con bạn bị sặc, bạn nên bình tĩnh thực hiện các bước sơ cứu khi trẻ bị sặc khi ăn. Tham gia một khóa học sơ cứu có thể hữu ích cho các bậc phụ huynh. Nếu tình hình của bé nghiêm trọng do bé không thể ho ra thức ăn, hãy đưa bé đi cấp cứu.