Hiểu tâm lý của trẻ khi thường xuyên nói leo và biện pháp thay đổi

Nói leo là thói quen thường thấy ở trẻ nhỏ, đây là một thói quen không tốt, tuy nhiên các bậc cha mẹ đừng nên vội quát mắng con cái, mà hãy tìm hiểu tâm lý tại sao trẻ lại có hành động như thế để tìm cách sửa chữa, thay đổi cho trẻ 

Tại sao trẻ lại hình thành thói quen nói leo?

Có nhiều nguyên nhân hình thành nên thói quen nói leo của trẻ, đôi khi nguyên nhân xuất phát từ chính cha mẹ mà chúng ta không biết:

Cha mẹ khuyến khích con

Ngay từ khi còn bé, cha mẹ đã vô tình khuyến khích con nói leo, khiến bé cứ tưởng rằng cha mẹ đang khen ngợi mình, rằng hành động ấy của trẻ là “lanh lẹ”. Cũng có thể vì bé quan sát thấy ở nhà, có những người lớn cũng quen tật nói leo.

Trẻ muốn chứng tỏ bản thân

Thật ra trong mắt trẻ thơ, có những “động cơ” nói leo vô cùng đơn giản. Chẳng hạn ở độ tuổi từ 3-6 tuổi, bé chưa thật sự ý thức được nói leo là xấu, cũng chưa đủ sự kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình.

Bé là trung tâm của cả nhà và đã quen với việc cả nhà lắng nghe bé, chú ý đến từng lời bé nói. Bé sẽ cảm thấy háo hức để phát biểu một ý nào đấy trong câu chuyện của ông bà, ba mẹ mà không cần biết rằng việc đó có nghĩa là “vô lễ” hay gì gì.

Bé cũng có thể nói leo vì muốn khẳng định sự có mặt của mình, muốn thể hiện cái tôi cá nhân (việc này sẽ hình thành khi bé ở vào khoảng 6-9 tuổi). Việc bé nói leo cũng hệt như việc bé khóc ầm lên ngày còn nhỏ, khi muốn người lớn quan tâm, chú ý và nhượng bộ vậy.

Ở tuổi này, bé cũng đã thấp thoáng xuất hiện dấu hiệu muốn “thể hiện mình” với bạn khác phái. Bạn đừng cười khi đọc đến những dòng này! Thực tế, một bé trai hay cố gắng nói leo để tỏ ra mình linh hoạt, biết nhiều khi ở đó đang có sự hiện diện của một bé gái mà cậu nhóc nhà ta “thinh thích”.

Trẻ đang muốn thu hút sự chú ý của người lớn

Việc nói leo là bé muốn thu hút sự chú ý của bố mẹ hay đang đòi hỏi một điều gì khác. Như bé muốn xin bạn cho chơi game một chút, bé muốn ăn một món gì đó trong tủ lạnh, bé muốn xem chương trình phim hoạt hình nhưng tivi lại để ngoài phòng khách và bạn đang có khách nên không cho bé bật tivi.

Những lúc như thế, muốn có được thứ mình thích nhưng cha mẹ lại hoàn toàn thờ ơ với bé, lo tập trung vào khách và chuyện trò với khách, bé chỉ còn cách gây chú ý là… nói leo. Bé chen ngang vào câu chuyện của bạn bất cứ lúc nào, phát biểu linh tinh chuyện này chuyện khác, mục đích là muốn bạn dành một chút sự quan tâm đến bé mà thôi.

Nói leo thường xuất hiện trong một giai đoạn phát triển của bé. Đó chưa hẳn là tật xấu nên bạn không cần làm căng thẳng. Càng la mắng gay gắt trong trường hợp này, bạn chỉ càng làm cho bé muốn tỏ ra chống đối.

Cha mẹ cần khéo léo thay đổi thói quen nói leo của trẻ

Hãy thử những cách này, chúng rất hữu hiệu và sẽ giúp con bạn hết nói leo nhanh chóng:

Làm gương cho trẻ

Nếu trong khi nói chuyện với trẻ, bố mẹ thường xuyên ngắt lời rồi xen ngang thì chúng sẽ cho rằng việc nói leo chẳng có gì xấu và vô tư học theo. Thay vào đó, bố mẹ cần ngồi lắng nghe một cách bình tĩnh, chờ con nói xong thì mới nói và tuyệt đối không ngắt quãng mạch nói của con.

Chắc chắn sẽ có lúc bạn cần ngắt lời trẻ, nhưng đối xử tôn trọng và lịch sử trong hầu hết tình huống. Và khi bắt buộc ngắt lời trẻ thì hãy chọn cách thật tinh tế, chẳng hạn bảo: "Mẹ xin lỗi nhưng mẹ có thể nói 1-2 câu được không". Hay khi con đang thao thao bất tuyệt kể một câu chuyện mà quên mất giờ đi ngủ, bạn hãy nhẹ nhàng nói: "Mẹ thích nghe nốt lắm, nhưng đến giờ đi ngủ của con rồi. Để ngày mai con kể tiếp cho mẹ nhé".

Đừng thỏa hiệp với tật nói leo của trẻ

Nếu bố mẹ luôn dừng những thứ mình đang làm, đang nói để quay sang tiếp chuyện đứa trẻ nói leo thì chúng sẽ cho rằng đây là cách làm hiệu quả và tiếp tục thực hiện những lần sau. Vì vậy, khi trẻ ngắt lời, bố mẹ đừng tự động đưa ra những phản hồi mà chúng mong muốn.

Hãy nhắc trẻ nhẹ nhàng: "Con đang làm gián đoạn cuộc nói chuyện của mẹ đấy. Điều này không hay ho đâu. Khi nào mẹ nói xong, mẹ sẽ trả lời con". Nếu trẻ vẫn gan lì nói tiếp thì hãy lờ chúng đi. Đây sẽ là cách làm hiệu quả nhất, cho trẻ thấy rõ nói leo sẽ chẳng có tác dụng gì.

Bên cạnh đó, nếu trẻ biết chờ đến lượt mình nói, bố mẹ đừng tiếc những lời khen ngợi nhé. Hãy chỉ ra và cảm ơn trẻ vì đã biết tôn trọng người khác.

Thiết lập các quy tắc

Bố mẹ hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng, việc ngắt lời, nói leo có thể làm tổn thương cảm xúc của người khác và rất thô lỗ. Hãy chỉ cho con biết phải chờ người khác nói xong mới nói phần của mình để thể hiện sự tôn trọng. Bố mẹ có thể tạo một bộ quy tắc gia đình, nêu rõ việc thể hiện sự tôn trọng với mọi người khi họ đang nói chuyện và nghiêm cấm hành vi nói xen ngang.

Tuy nhiên, đừng dạy con "không bao giờ được nói leo". Vì có một số trường hợp, chúng ta bắt buộc xen vào cuộc trò chuyện của người khác khi có một vấn đề nghiêm trọng xảy ra, phải cảnh báo ngay.

Đừng giành nói với bé

Nếu mẹ cứ nói phần mẹ, con cứ nói phần con thì sẽ chỉ kích thích bé nói lớn tiếng hơn, nhanh hơn, “hùng hổ” hơn để mong át được tiếng của mẹ. Lâu ngày, điều này trở thành thói quen rất xấu. Bạn hãy cố giữ bình tĩnh và im lặng ngay để nhường cho bé nói. Đợi bé nói xong, bạn chỉ cần nhắc bé bằng một câu hỏi: “Khi con nói, mẹ luôn im lặng để lắng nghe và chờ con nói xong. Lần sau, con có thể chờ đến khi mẹ hoặc khách nói xong mới nói không?”.

Đưa ra những tình huống cụ thể cho phép bé “nói leo”

Bạn có thể hướng dẫn bé những tình huống cụ thể, khi cấp bách và bé không biết cách giải quyết, cần đến sự can thiệp của bạn để được phép “nói leo”. Ví dụ một bạn đang chơi bị đau và bé cần báo cho bạn biết, ai đó gọi điện đến, ai đó cần giúp đỡ… Trong những trường hợp khác, giải thích cho bé cặn kẽ rằng khi ba mẹ đang có khách, bé hãy tôn trọng khách của ba mẹ như cách bạn tôn trọng lúc bé và bạn bè của bé đang chơi.

Khen ngợi khi con làm tốt

Lời khen ngợi luôn có ý nghĩa quan trọng với bé. Nếu bé biết cách thực hiện tốt những hướng dẫn của bạn, đừng quên khen ngợi, khuyến khích con. Có thể bé chưa làm thật tốt ban đầu, nhưng nhờ vào lời khen ngợi của bạn, lần sau bé sẽ làm tốt hơn và hình thành dần thói quen nói năng từ tốn, lịch sự.

Dạy con ra hiệu

Hãy tạo ra giữa hai mẹ con vài dấu hiệu “bí mật” (bé rất thích thú với trò này). Khi bạn đang có khách và bé cần hỏi bạn điều gì đó, nhắc bé ra hiệu cho bạn và chờ đợi dấu hiệu đáp lại của bạn. Lâu dần, điều này sẽ thành thói quen. Bé sẽ biết cách kín đáo ra hiệu và chờ mẹ trước khi bắt đầu nói.

Tạo việc khác cho bé làm, thu hút sự chú ý của bé trong khi bạn nói chuyện

Như đã nói, có một nguyên nhân dẫn đến việc nói leo là bé muốn làm điều gì đó nhưng không được làm và cứ tìm cách xen ngang câu chuyện của bạn mong bạn chú ý đến bé. Thay vì để bé phải làm thế, trước khi bắt đầu cuộc chuyện trò với khách hoặc một cuộc điện thoại, bạn hãy hướng con vào một hoạt động gì đó có thể cuốn hút sự tập trung của bé. Đừng để bé “rảnh rỗi”, nếu không bé sẽ lại có xu hướng thích ngồi hóng chuyện người lớn và… nói leo thôi!

Đánh giá:  
5.0 / 5  (1 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật