Truyền thuyết Trung hoa kể rằng, từ ngày 2/7 Âm lịch, Diêm Vương sẽ bắt đầu mở Quỷ Môn Quan cho quỷ đói được trở về dương gian. Sau đó cánh cửa sẽ đóng lại đúng vào đêm 14/7 Âm lịch. Vào khoảng thời gian này người dương nên cúng cháo, gạo… để quỷ đói không nhũng nhiễu và quấy phá cuộc sống của mình.
Còn tại Viêt Nam, người dân xa xưa quan niệm rằng: Là con người thì sẽ được chia ra làm 2 phần, là phần linh hồn và phần thể xác. Những người sau khi đã lìa đời nhưng linh hồn còn vấn vương điều gì đó mà chưa thể siêu thoát, sẽ trở thành ma quỷ chốn Âm ty. Tháng cô hồn là cơ hội để chúng trở về dương gian tìm kiếm thức ăn, cùng với nguyện vọng muốn được đầu thai.
Ngoài ra, các cụ luôn có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nên từ ngàn đời xưa, những chuyện hệ trọng như cưới hỏi, mua sắm, đầu tư lớn đều không được thực hiện trong tháng 7 Âm lịch. Cũng vì quan niệm như thế mà từ xa xưa, người Việt có những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn mà không nên làm.
Những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồi
Khi đi chơi đêm không được réo gọi tên nhau, nếu không ma quỷ sẽ ghi nhớ tên người được gọi, đó là điềm xấu.
Không phơi quần áo vào ban đêm vì ma quỷ trông thấy sẽ "mượn" và để lại 'quỷ khí' trong các quần áo ấy.
Không ăn vụng đồ khi cúng cô hồn. Đến rằm tháng 7, nhà nào cũng làm mâm cúng cô hồn để ban phát đồ ăn, thức uống cho các linh hồn, quỷ đói, nhưng nếu ăn đồ của người âm mà chưa cúng hoặc chưa xin phép sẽ rước họa vào thân.
Không treo chuông gió ở đầu giường vì tiếng chuông sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ, khi con người ngủ sẽ dễ bị chúng quấy phá.
Không gọi, gào thét tên nhau giữa đêm khuya vì hành động này sẽ khiến ma quỷ ghi nhớ tên người được gọi và có thể sẽ ám người đó.
Không tùy tiện đốt tiền vàng, vàng mã trong tháng cô hồn vì việc này có thể khiến ma lang thang khắp nơi bu quanh bạn nhiều hơn, quấy nhiễu cuộc sống của bạn.
Không đứng gần cây đa, cây đề vì theo quan niệm dân gian, vào ban đêm dưới gốc cây đa, cây đề hội tụ rất nhiều âm khí, đặc biệt vào tháng cô hồn. Do đó người dương không nên ngồi, nằm, trốn ở đó để tránh ma quỷ trêu đùa.
Không được nhổ lông chân vào những ngày này vì dân gian cho rằng "một sợi lông chân quản ba con quỷ", người càng có nhiều lông chân thì ma quỷ càng ít dám đến gần.
Cây đa trước nhà là nơi hội tụ âm khí, ma quỷ rất thích những chỗ như vậy, cho nên kỵ đứng, ngồi, nằm, trốn… ở đó.
Không nên thức quá khuya vì như vậy tinh thần sẽ hao tổn suy nhược, dễ nhiễm "quỷ khí".
Không bơi lội trong tháng cô hồn, nhất là ở sông suối, ao hồ vì ở đây âm khí rất nhiều. Khi bơi nếu không cẩn thận sẽ bị trẹo chân chuột rút thậm chí bị ma rủ.
Không nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường, vì có thể đó là tiền người ta cúng mua chuộc bọn quỷ đầu trâu mặt ngựa, nếu người nào phạm kỵ, sẽ gặp tai hoạ không chừng.
Khi lên giường ngủ không để mũi dép hướng về phía giường, nếu không ma quỷ nhìn thấy sẽ đoán rằng có người sống đang nằm trên giường và chúng sẽ lên giường ngủ chung với bạn.
Không cắm đũa đứng giữa bát cơm vì đó là hình thức cúng tế, cũng giống như kiểu thắp hương, dễ dẫn dụ ma quỷ vào nhà ăn chung.
Không nên ở một mình trong thời gian này, nếu không sẽ dễ bị ma quỷ dẫn dắt hoặc quấy phá.
Không chụp ảnh vào ban đêm, bởi ma quỷ luôn lảng vảng chung quanh đó sẽ "vô hình" vào ảnh chung với người sống, đó là điều không tốt.
Có nên tin và không làm những điều kiêng kỵ
Trên thực tế, từ cô hồn có xuất xứ trong Phật Giáo. Cô là cô đơn, cô độc, hồn là vong hồn, linh hồn. Vì người chết ra đi một mình, không ai đi cùng nên người đời cảm thấy có sự cô đơn ở đây.
Tuy nhiên, Phật giáo cũng cho rằng tháng 7 âm lịch không nên gọi là Tháng cô hồn mà nên gọi là tháng Vu Lan. Bởi nó xuất phát từ câu chuyện Mục Kiền Liên Bồ Tát khi đã đắc đạo thì nghĩ tới mẹ của mình. Mẹ của Ngài đã mất trước đó lâu rồi. Mẹ của Ngài là một người không có lòng tin với Phật giáo, thậm chí bất kính với Phật giáo.
Thấy mẹ mình là một ngã quỷ, lúc đó ngài Mục Kiều Liên Bồ Tát đã đi khất thực để lấy một bát cơm mang xuống cho mẹ ăn. Khi Ngài mang bát cơm xuống dâng cho mẹ thì ngã quỷ nhìn thấy cơm rất thèm. Khi mẹ của Ngài cầm bát cơm lên ăn và không san sẻ cho các ngã quỷ khác thì bát cơm đột nhiên biến thành than hồng, mà Mục Kiền Liên Bồ Tát cũng không biến được bát cơm trở lại cho mẹ.
Mục Kiền Liên Bồ tát đem mang câu chuyện của mình cầu cứu Đức Phật và Đức Phật chỉ rằng chỉ có thể nhờ đến thần lực của mười phương tăng cuối khóa an cư mới có thể cứu được. Ngài Mục Kiền Liên đã thiết lập một trai đàn lớn, thỉnh Phật và chư tăng đến để cúng dường trai tăng hồi hướng cho mẹ mình và các ngã quỷ khác. Ngày hôm đó, mẹ Ngài đã thoát kiếp ngã quỷ, sinh về cõi trời. Rất nhiều ngã quỷ khác cũng sinh về cõi trời. Lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên cao quý, từ đó có ngày lễ Vu Lan rằm tháng bảy tri ân, báo hiếu trong Phật giáo.
Từ trong bài kinh này, Phật giáo có truyền thống đến ngày Rằm tháng 7 gọi là Lễ Vu Lan. Nhờ công đức của chúng tăng tu tập, thanh tịnh trong 3 tháng an cư mới hồi hướng, cứu được cho các vong linh trong ngã quỷ.
Sau đó, câu chuyện này được truyền ra trong nhân gian và nhiều người nghĩ rằng đến tháng 7, nhất là đến ngày Rằm tháng 7 âm, các tội nhân dưới địa ngục được giảm tội, xá tội. Nhiều người cũng nghĩ rằng đó là thời gian các vong hồn được địa ngục mở cửa. Và các vong linh thoát ra, đi lang thang, quấy nhiễu trong tháng cô hồn.
Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Hoằng Pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những điều kiêng kị trong tháng 7 âm lịch hiện nay không có cơ sở và trở thành nỗi ám ảnh không tốt, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân.
Câu chuyện từ trong Phật giáo chỉ gợi nhắc con người rằng tháng 7 âm lịch là tháng Vu lan nhằm giáo dục cho con người về lòng hiếu thảo, nhớ ơn công sinh thành để họ tu dưỡng dạo đức và sống hiếu thảo, thiện tâm với cuộc đời. Đây chính là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Hãy tận dụng khoảng thời gian này để ở bên cha mẹ và giúp đỡ cha mẹ nhiều hơn. Và cũng là dịp để mọi người tạm gác các công việc bận rộn để tập trung vào các yếu tố tâm linh, thể hiện sự kính trọng của mình với người đã khuất, tự vấn xem mình đã sống như thế nào, đã làm gì, đã báo hiếu ra sao với những người đã tạo ra mình, đã vất vả nuôi mình khôn lớn.
Câu chuyện của Mục Kiền Liên Bồ tát cũng cho chúng ta thấy rằng, nhân quả báo ứng là Thiên Lý bất biến. Cho dù Ngài Mục Kiền Liên Bồ tát có thần thông đến đâu thì cũng không thể cứu được mẹ của mình bởi nghiệp lực của ai thì người đó sẽ phải gánh. Vì vậy, ngay từ lúc này hãy làm việc thiện, công đức, hướng tâm đến Phật để cảm nhận bình an. Tháng 7 Vu Lan cũng là thời điểm tốt để bạn ăn chay, niệm Phật, hồi hướng cho những người đã khuất hay thả chim, thả cá, làm các việc tốt giúp đỡ mọi người.
Cho đến nay, những điều kiêng kỵ trong tháng cô hồn chưa có ngành khoa học nào có thể kiểm chứng đúng sai. Với quan niệm rằng dân gian “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên có nhiều người vẫn chú trọng làm theo. Tuy nhiên, Food Review cũng cho rằng, bạn cũng nên phân biệt vấn đề mê tín dị đoán để chọn lọc những việc bạn cho là cần thiết.