Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) trong tháng 10, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 136 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, Mỹ là điểm sáng nổi bật của thị trường cá tra Việt Nam trong năm nay. Cụ thể, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 42 triệu USD trong tháng 10, mức cao nhất trong top 10 thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam.
Các chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, nếu cá tra xuất khẩu sang Mỹ vẫn giữ được con số khả quan thì tương lai Mỹ sẽ là nước nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Đáng mừng hơn là giá xuất khẩu cá tra cũng tăng mạnh hỗ trợ nhiều cho các doanh nghiệp vựt dậy sau thời gian khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo ghi nhận mới nhất, cuối tháng 10, giá xuất khẩu cá tra đông lạnh trung bình sang Mỹ đạt mức 3,78 USD/kg, tăng mạnh so với đầu năm nay.
Trái ngược với Mỹ, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hong Kong ảm đảm, thậm chí giảm mạnh.
Cụ thể, trong tháng 10, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hong Kong đạt 31 triệu USD, giảm 61% so với tháng trước.
Nguyên nhân được xác định do Trung Quốc nâng hàng rào thương mại đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu khiến hàng hóa bị ách tắc ở cảng.
Ngoài ra, VASEP cũng cho rằng, bên cạnh Mỹ, EU, Trung Quốc, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội ở thị trường Brazil, Thái Lan, Colombia, Nga, Ai Cập…
Nhóm nước trên được xem là miền đất hứa cho ngành cá tra Việt Nam vì có khả năng tăng trưởng tốt và có nhiều tiềm năng về giá cả.
Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 khiến chuỗi cung ứng từ nuôi trồng, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp cá tra bị đứt gãy.
Nhiều doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề, thậm chí phải đóng cửa. Dịp cuối năm sẽ là cơ hội khôi phục thị trường cho nên các đơn vị sản xuất cần tăng cường sản lượng, đảm bảo tốt các đơn hàng đúng hạn, tận dụng các thị trường tiềm năng để hồi phục kinh tế.