Hiện nay, các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc đều tăng mạnh nhập khẩu cá tra để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa trong quá trình kinh tế dần dhồi phục do đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, dù thị trường tăng trưởng tốt song các nhà máy ở Việt Nam hiện nay vẫn loay hoay chống dịch, công suất chưa phục hồi khiến giá trị xuất khẩu cá tra giảm mạnh.
Việc này dẫn đến sản lượng thấp, khiến cả người nuôi và doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng cho biết, dịch COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp khiến hoạt động của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, sản lượng cá tra thu hoạch trong 3 tháng giãn cách xã hội (tháng 7, 8) đồng loạt giảm mạnh từ 20% - 45%. Khi các tỉnh siết chặt giãn cách xã hội, việc vận chuyển, sản xuất ùn ứ.
Sản lượng thu hoạch giảm mạnh, giá cá tra nguyên liệu bắt đầu khởi sắc song vẫn chưa chạm điểm hòa vốn.
ĐBSCL được xem là thủ phủ nuôi cá tra lớn nhất nước. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp và An Giang là hai tỉnh thành chiếm tỉ trọng cá tra cao nhất.
Tại Đồng Tháp, giá cá tra nguyên liệu hiện tăng lên 21.000 – 22.000 đồng/kg song chi phí sản xuất lên tới 22.355 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi lỗ 355 – 1.855 đồng/kg.
Tương tự, ở vùng nuôi An Giang, giá cá tra thương phẩm loại 1 cũng tăng 3.000 - 4.500 đồng/kg song vẫn giảm 500 đồng/kg so thời điểm trước dịch.
Sản xuất cá tra giống cũng gặp nhiều khó khăn khi nhiều do thời tiết không thuận lợi người nuôi giảm công suất vì dịch bệnh, thương lái chậm thu mua, cá quá lứa nhiều và giá giảm trong thời gian dài.
Trước tình hình đó, nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu xuất khẩu cho đến quý II/2022 rất cao.
Nhiều chuyên gia ngành thủy sản nhận định, dù giá tăng thì giá cá tra sẽ khó có thể tăng như kỳ vọng. Bởi các nhà máy thiếu hụt nguyên liệu, tức là đơn hàng xuất khẩu sẽ ít hơn mọi năm. Hiện giá cá tra xuất khẩu không cao và giá bán tại các trang trại khó có thể tiếp tục tăng.