Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong tháng 10, xuất khẩu tôm đạt 425 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm 2020.
Riêng với tôm thẻ chân trắng ghi nhận tăng 10%. Cụ thể, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 327 triệu USD, chiếm 77% kim ngạch xuất khẩu tôm.
Xuất khẩu tôm sú và tôm biển cũng cho mức tăng nhẹ nhưng không đáng kể chiếm 23% thị phần.
Theo số liệu thống kê mới nhất, điểm sáng cho ngành thủy sản hiện nay là xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc đồng loạt tăng mạnh.
Hiện nhu cầu tiêu thụ tôm tại Mỹ tăng cao nhờ vào các dịp lễ cuối năm. Do đó, Mỹ được xem là thị trường xuất khẩu ổn định của Việt Nam kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới.
Thị trường Mỹ khá ưa chuộng sản phẩm tôm cỡ lớn, tôm thịt tươi, tôm đông lạnh của Việt Nam.
VASEP dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ tiến triển tích cực, đà tăng trưởng này sẽ kéo dài đến quý I/2022.
Tương tự Mỹ, EU cũng là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu tôm của Việt Nam, ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá tốt. Dự kiến cuối năm nhu cầu nhập khẩu tôm của EU sẽ tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, một số nước chuyên nhập khẩu thủy sản cho EU đang phải chống chọi với dịch bệnh Covid-19, cùng giá cước vận tải biển tăng cao khiến hàng hóa tại EU đang rất khan hiếm.
Đây sẽ là lợi thế cho các nhà cung cấp của Việt Nam sang EU trong gia đoạn cuối năm nay và đầu năm sau.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh.
Các chuyên gia nhận định, thị trường Trung Quốc hiện lao dốc do chính sách kiểm dịch COVID-19 trên sản phẩm thủy sản nhập khẩu quá chặt chẽ, gây đình trệ hoạt động thông quan.
Tại Việt Nam, doanh nghiệp từng bước khôi phục sản xuất sau khi được nới lỏng giãn cách xã hội.
Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đang chạy đua cho mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 3,8 tỷ USD, phục hồi công suất tối đa, tận dụng được các cơ hội từ thị trường.